Đặt trọng tâm giải quyết các điểm chồng chéo

Thời gian gần đây hệ thống pháp luật về kinh doanh của Việt Nam dần được hoàn thiện và có những bước tiến đáng kể trong tư duy quản lý và cách thức thiết kế chính sách. Những đạo luật quan trọng tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, môi trường đầu tư kinh doanh như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đã có những cải cách và thúc đẩy quyền tự doanh mạnh mẽ. Hầu hết các lĩnh vực kinh doanh đặc thù, cần kiểm soát đã được các Luật chuyên ngành và văn bản hướng dẫn quy định, tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo khảo sát, năm 2019 là năm có số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ít hơn so với các năm trước đó.

Theo Cổng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản pháp luật, tính đến hết tháng 11/2019, mới chỉ có 267 thông tư được ban hành, thấp hơn nhiều so với con số từ 500 - 800 thông tư của các năm trước đó. Đối với nghị định, cũng mới chỉ có 91 nghị định được ban hành, thấp hơn con số 155 nghị định cùng kỳ năm 2018 và mức 125 nghị định trong 11 tháng đầu năm 2017.

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì hệ thống pháp luật về kinh doanh của nước ta đang đối mặt với vấn đề bất cập lớn đó là sự thiếu thống nhất, chồng chéo giữa các văn bản luật khi cùng điều chỉnh về hoạt động đầu tư, kinh doanh. Các thủ tục, điều kiện quy định tại một số văn bản pháp luật hiện không thống nhất, chồng chéo lên nhau.

leftcenterrightdel
 Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI.

Cụ thể mâu thuẫn nhiều nhất liên quan đến điều kiện, trình tự thủ tục đầu tư tập trung tại các Luật: Đầu tư, đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở, bảo vệ môi trường, tài nguyên nước; chưa thống nhất về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ, thời hạn thự hiện thủ tục; chồng lấn khi thực hiện thủ tục hành chính…

Thực tế này đang khiến nhiều nhà đầu tư không biết nên thực hiện thủ tục nào trước, thủ tục nào sau hay có phải thực hiện thủ tục không? Do sự khiến cho quy định triển khai dự án kéo dài, thậm chí đình trệ, không thể triển khai, tăng chi phí về thời gian, tiền bạc và rủi ro đối với doanh nghiệp. Từ đó làm cho môi trường kinh doanh trở nên kém thuận lợi...

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, tốc độ triển khai, xây dựng các văn bản pháp luật tiếp theo trong năm 2019 không sôi động như năm 2018. Điều này đã ảnh hưởng đến tiến trình cải cách các thủ tục cũng như đang tạo ra những bất cập, không thuận lợi cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.

Năm 2020 với việc đặt trọng tâm vào việc giải quyết các điểm chồng chéo của các hệ thống thống pháp luật có liên quan và việc sửa đổi đồng bộ từ pháp luật, đến nghị định, thông tư chúng ta sẽ lấy lại được đà cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính của các năm 2016, 2018.

Vẫn còn cơ chế “chọn cho”?

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho rằng, Hiến pháp 2013 đã quy định, mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Vì thế, cơ chế “chọn cho” đã được thay thế cho cơ chế “chọn bỏ”. Có nghĩa là các văn bản chỉ liệt kê những hoạt động mà doanh nghiệp bị cấm kinh doanh, chứ không còn liệt kê những hoạt động mà doanh nghiệp được kinh doanh.

Tuy nhiên, năm 2019 vẫn tồn tại một số quy định mang tính "chọn cho" được xây dựng và ban hành. Chẳng hạn đầu năm 2019, Bộ NNN&PTNT ban hành Thông tư 02/2019 về Danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam.

Thông tư này vẫn sử dụng phương pháp "chọn cho", tức là người dân và doanh nghiệp chỉ được kinh doanh những loại thức ăn chăn nuôi có trong danh mục. Điều này vừa không phù hợp với Hiến pháp, vừa không hợp lý.

leftcenterrightdel
 Ông Đậu Anh Tuấn: Vẫn tồn tại một số quy định mang tính "chọn cho" được ban hành

“Phương pháp quản lý này sẽ dẫn đến nguy cơ cơ quan nhà nước chỉ cần "quên" hoặc không biết đến một loại thức ăn chăn nuôi theo tập quán nào đó là người dân và doanh nghiệp không được phép kinh doanh loại hàng hoá đó.

Thực tế, Thông tư 02/2019 đã bỏ quên khá nhiều loại thức ăn chăn nuôi theo truyền thống mà người dân hay sử dụng như bèo tây, cây chuối... dẫn đến lo ngại là liệu việc người dân sử dụng, buôn bán các loại thức ăn chăn nuôi này có phải là bất hợp pháp”, ông Tuấn phân tích.

Mặt khác phương pháp này còn có thể gây cản trở tự do sáng tạo, sáng kiến của người dân và doanh nghiệp. Ví dụ như khi người dân phát hiện ra một loại thức ăn chăn nuôi mới thì sẽ không được phép đưa vào kinh doanh.

Tương tự như vậy, Thông tư 01/2018 của Bộ này về Danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam cũng “bỏ quên” một số loài động vật mà hiện nay người nông dân vẫn đang nuôi và kinh doanh giống như trùn quế. Thậm chí, theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi thì việc kinh doanh giống vật nuôi không có trong danh mục có thể bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng.

Một chuyên gia của VCCI cho hay, quy định về danh mục thức ăn chăn nuôi đã được sửa đổi đã được sửa đổi theo hướng công nhận tất cả các loại thức ăn có nguồn gốc từ động vật, thực vật, thậm chí là cả thức ăn có nguồn gốc vi sinh vật. Còn quy định về danh mục vật nuôi trong đó bỏ quên “trùn quế” vẫn chưa được sửa đổi.

Ngọc Anh