Hàng loạt dự án “đắp chiếu”
Khu công nghiệp Đại Kim ở xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn là nơi có nhiều dự án đầu tư với số vốn trên trăm tỷ, trong đó có dự án đã hoạt động, dự án đang xây dựng dở dang và cả những dự án đang… nằm trên giấy. Nhưng đến nay, gần như tất cả đều lâm vào tình trạng “đắp chiếu”.
Là dự án có số vốn đầu tư gần 400 tỷ đồng, Nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, xe máy và các sản phẩm công nghiệp SOKI - CT do Cty cổ phần đầu tư phát triển Việt - Lào làm chủ đầu tư được kỳ vọng là dự án điểm về công nghiệp, được khởi công cách đây 10 năm và đã đi vào hoạt động lắp ráp xe máy điện. Nhưng đến nay, dự án đang lâm vào tình trạng thiếu vốn, khó khăn về tài chính.
Cạnh bên là dự án Nhà máy may Five Star Hà Tĩnh, với số vốn 150 tỷ đồng, đi vào thực hiện từ tháng 1/2016, nhưng đến nay cũng đang dở dang, chậm tiến độ.
Cách đó không xa là dự án Khu trung tâm thương mại cửa khẩu có tổng số vốn là 112 tỷ đồng, do Công ty cổ phần Đầu tư CK Việt Nam làm chủ đầu tư. Năm 2012, dự án được bắt đầu triển khai thực hiện, nhưng đến nay cũng đang bỏ hoang, dở dang nhiều hạng mục.
Người dân bị “vạ lây”
Hầu hết để thực hiện các dự án này, chính quyền đã phải thu hồi đất canh tác của người dân, với cam kết sau khi dự án đi vào hoạt động, sẽ thu nhận lao động là người dân địa phương, bảo đảm đời sống ổn định và phát triển kinh tế, xã hội trong vùng. Tuy nhiên, dự án dang dở khiến đời sống của nhiều người dân nơi đây cũng…dở dang.
|
|
Khu kinh tế cửa khẩu Cầu Treo vắng vẻ. Ảnh: Bùi Tiến |
Ông Trần Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Sơn Kim 1 cho biết, để xây dựng Khu công nghiệp Đại Kim, hơn 30 ha đất ruộng đẹp nhất của 300 hộ dân đã bị thu hồi, trong đó có hộ bị thu hồi toàn bộ diện tích đất, khi tái định cư thì quỹ đất ruộng không còn, nên bao năm nay, nhiều người dân phải canh tác nhờ, cuộc sống rất khó khăn, cực khổ.
Ông Hải nói, ngày khởi công Khu công nghiệp, chính quyền và người dân vui bao nhiêu, thì giờ buồn và lo lắng bấy nhiêu. Bao hứa hẹn về những dự án trăm tỷ tạo ra việc làm cho người dân địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương… giờ cũng dở dang theo các dự án.
“Hệ lụy lớn nhất là người dân đi học nghề để làm cho các nhà máy thuộc dự án, giờ về không có việc làm nên bức xúc. Có một số người đã vào các dự án bỏ hoang để trộm cắp tài sản, gây phức tạp tình hình an ninh, trật tự” - ông Hải cho biết.
Nguyên nhân và hướng giải quyết
Nhận định về thực trạng đáng buồn này, ông Trần Văn Hải chỉ ra nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đường QL8A nối cửa khẩu Cầu Treo với nước bạn Lào khá nhỏ, quanh co và chật hẹp, nhập khẩu gỗ từ Lào về cũng hạn chế do Lào đã cấm xuất khẩu gỗ. Nhất là những ưu đãi về thuế đã bị bãi bỏ, nên nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư không muốn đầu tư, hoặc đã đầu tư thì “bỏ của chạy lấy người” vì không hiệu quả.
Nói rõ hơn điều này, lãnh đạo Ban quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ cuối năm 2016, cơ chế chính sách về thuế quan ở KKT cửa khẩu Cầu Treo đã thay đổi, không còn là khu phi thuế quan nữa. Đến đầu năm 2018 thì Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định bãi bỏ quy định cơ chế, chính sách đối với KKT cửa khẩu, nên các nhà đầu tư đã dừng triển khai đầu tư, dừng hoạt động vì có hoạt động cũng không hiệu quả.
Để tháo gỡ vấn đề này, ông Dương Tất Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, kiêm Trưởng BQL KKT tỉnh Hà Tĩnh cho biết, trước mắt tỉnh sẽ đồng hành cùng với các nhà đầu tư để tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư thực hiện dự án. Nhưng sau một thời gian nhất định, nếu nhà đầu tư không tiếp tục thực hiện dự án, thì tỉnh sẽ phải thu hồi để kêu gọi các nhà đầu tư mới, theo hướng xây dựng thành khu vực logistics (nghĩa là lên kế hoạch, áp dụng và kiểm soát các luồng chuyển dịch của hàng hóa hay thông tin liên quan tới nguyên nhiên liệu vật tư (đầu vào) và sản phẩm cuối cùng (đầu ra) từ điểm xuất phát tới điểm tiêu thụ).
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, giải pháp phát triển logistics ở KKT cửa khẩu Cầu Treo là khả quan, bởi việc này đã được thăm dò các nhà đầu tư, khảo sát nhu cầu của các đơn vị vận tải vận chuyển hàng hóa qua cửa khẩu Cầu Treo. Tuy nhiên, ông Dương Tất Thắng cũng kiến nghị, với đặc thù là khu vực biên giới khó khăn, nên mong muốn Nhà nước, Chính phủ có cơ chế, chính sách ưu tiên cho khu vực đặc thù này để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế ổn định, lâu dài.
Bùi Văn - Trần Tiến