Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT trong thời gian qua đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội như góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô; hỗ trợ phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp theo hướng chế biến sâu, nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại, khuyến khích đầu tư sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu.

Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp tăng cường quản trị kinh doanh, phòng ngừa các hành vi lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT; tháo gỡ khó khăn, khuyến khích doanh nghiệp, cá nhân và tổ chức khác đầu tư, sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững; đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế, ổn định nguồn thu ngân sách Nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và xu hướng phát triển thời gian tới, chính sách thuế GTGT hiện hành đã phát sinh một số hạn chế nhất định cần tiếp tục được nghiên cứu hoàn thiện để phát huy hơn nữa vai trò của thuế GTGT.

Các nội dung cần nghiên cứu sửa đổi như: Cần thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT; nghiên cứu sửa đổi mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT cho phù hợp với thực tế; thu hẹp đối tượng chịu thuế GTGT thuế suất 5% theo định hướng nêu tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế; nghiên cứu điều chỉnh tăng mức thuế suất phổ thông (10%) cho phù hợp trong quá trình chuyển đổi, tái cơ cấu nền kinh tế.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Nghiên cứu sửa đổi quy định về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản cho minh bạch, thống nhất cách hiểu giữa người nộp thuế và cơ quan thuế; sửa đổi quy định về khấu trừ thuế GTGT đầu vào để tăng cường ngăn chặn gian lận trong khấu trừ, hoàn thuế GTGT, chống thất thu ngân sách; tiếp tục sửa đổi một số thủ tục hoàn thuế để tạo điều kiện hơn nữa cho doanh nghiệp đầu tư, đổi mới công nghệ thông qua đó tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, những vấn đề cần nghiên cứu sửa đổi nêu trên là yêu cầu của thực tiễn cần phải sửa đổi, bổ sung Luật thuế GTGT để giải quyết những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện nhằm đáp ứng với yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội và quản lý thuế, phù hợp với mục tiêu cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển.

Bên cạnh đó, xu hướng cải cách thuế của các nước phát triển và các nước đang phát triển đều thực hiện cơ cơ cấu lại thu NSNN theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu, cụ thể để tăng nguồn thu bù đắp cho nguồn thu giảm do giảm thuế nhập khẩu, thuế thu nhập, các nước có xu hướng chuyển hướng tăng thu từ thuế tiêu dùng (thuế GTGT và thuế tiêu thụ đặc biệt), mở rộng cơ sở thuế thông qua giải pháp thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT và đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT ưu đãi; điều chỉnh tăng mức thuế suất phổ thông. Đồng thời, sửa đổi quy định về thuế suất 0% đối với dịch vụ xuất khẩu để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Về mục tiêu chung khi xây dựng dự án Luật đó là: Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030; kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, khơi thông, phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; phù hợp xu hướng cải cách thuế của quốc tế; đảm bảo ổn định nguồn thu NSNN.

Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật gồm: Sửa đổi, bổ sung Điều 5 về đối tượng không chịu thuế; sửa đổi, bổ sung Điều 7 về giá tính thuế; sửa đổi, bổ sung Điều 8 về thuế suất; sửa đổi, bổ sung Điều 12 về khấu trừ thuế GTGT đầu vào; sửa đổi, bổ sung Điều 13 về các trường hợp hoàn thuế; sửa đổi, bổ sung Điều 16 về tổ chức thực hiện.

Ngoài ra, đề nghị xây dựng Luật cũng nêu rõ 3 nhóm chính sách gồm: Mở rộng cơ sở thuế (thu hẹp đối tượng không chịu thuế GTGT, đối tượng chịu thuế GTGT 5%); sửa đổi, bổ sung để đảm bảo tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính; sửa đổi để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật; sửa đổi để đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng phát triển.

P.V