Dự thảo quy định, các trường hợp giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quá trình tố tụng hình sự, tố tụng hành chính.

Cụ thể, trong quá trình giải quyết sơ thẩm vụ án hình sự có bị cáo là người thi hành công vụ trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự có hành vi quy định tại Điều 17, Điều 19, Điều 20 và Điều 21 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, thì Tòa án đang giải quyết sơ thẩm vụ án hình sự có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết sơ thẩm vụ án hình sự.

Trong quá trình giải quyết sơ thẩm vụ án khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính, đồng thời có yêu cầu về bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 7 của Luật Tố tụng hành chính và Điều 17 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước thì Tòa án đang giải quyết sơ thẩm vụ án hành chính có thẩm quyền giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước nếu có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

Trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, Tòa án không kết hợp giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự. Việc giải quyết yêu cầu bồi thường trong trường hợp này được thực hiện tại cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại theo quy định tại Mục 1 Chương V của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định việc giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính như sau: 

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên toà xét xử một vụ án hình sự. (Ảnh minh hoạ)

Trong quá trình giải quyết sơ thẩm vụ án hình sự, trước khi Hội đồng xét xử vụ án hình sự vào phòng nghị án thì tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp (gọi chung là người yêu cầu bồi thường) yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hướng dẫn tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này. Yêu cầu giải quyết bồi thường trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án hình sự có thể được thể hiện bằng văn bản hoặc lời khai của người yêu cầu bồi thường và được ghi vào biên bản phiên tòa.

Trong quá trình giải quyết sơ thẩm vụ án hành chính, trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp (sau đây gọi chung là người yêu cầu bồi thường) yêu cầu Tòa án có thẩm quyền đang giải quyết vụ án hành chính giải quyết yêu cầu bồi thường thuộc trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hướng dẫn tại khoản 2 Điều 2 Thông tư này. Yêu cầu giải quyết bồi thường trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án hành chính có thể được thể hiện bằng văn bản hoặc lời khai của người yêu cầu bồi thường và được ghi vào biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại.

Việc yêu cầu giải quyết bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này phải được xem xét, giải quyết trong cùng vụ án trừ trường hợp quy định tại Điều 30 Bộ luật Tố tụng hình sự và khoản 2 Điều 7 Luật Tố tụng hành chính và Điều 6 Thông tư này. Đối với trường hợp tổ chức, cá nhân yêu cầu giải quyết bồi thường thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư này sau thời điểm Hội đồng xét xử vụ án hình sự vào phòng nghị án hoặc sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại thì Tòa án không giải quyết cùng vụ án và giải thích cho họ về quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sau khi họ nhận được bản án, quyết định của Tòa án xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ.

Mặt khác, theo dự thảo, việc xác định thiệt hại được bồi thường được thực hiện theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sau khi Hội đồng xét xử thống nhất, quyết định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật và thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều 2 Thông tư này. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho việc xác định thiệt hại được nhanh chóng, đầy đủ và đúng pháp luật thì trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, ngay sau khi nhận được yêu cầu giải quyết bồi thường, Thẩm phán, Hội đồng xét xử phải tiến hành thu thập chứng cứ, tài liệu có liên quan. Quá trình chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa, Thẩm phán, Hội đồng xét xử phải nghiên cứu, xem xét, thẩm tra đầy đủ, toàn diện những chứng cứ, tài liệu đã được thu thập.

Ngoài ra, dự thảo Thông tư còn quy định, trường hợp Tòa án tách việc giải quyết yêu cầu bồi thường để giải quyết bằng vụ án riêng theo thủ tục tố tụng dân sự thì trước khi Tòa án vào sổ thụ lý yêu cầu giải quyết bồi thường, người yêu cầu có quyền rút đơn yêu cầu giải quyết bồi thường để đề nghị cơ quan giải quyết bồi thường quy định tại Chương IV Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước giải quyết theo quy định tại Mục 1 Chương V Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

P.V