Đáng lo ngại là, để đòi được nợ, các đối tượng sẵn sàng gây sức ép đối với tất cả những người có thông tin liên quan đến con nợ; làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, sinh hoạt và danh dự của nhiều người...

Không hề vay mượn của ai, cũng không quen biết các đối tượng cho vay nợ, thế nhưng nhiều người bỗng dưng trở thành nạn nhân của “tín dụng online” khi liên tục bị nhắn tin, gọi điện thoại khủng bố, đe doạ; thậm chí bị sử dụng hình ảnh cá nhân phát tán lên mạng xã hội để gây sức ép đòi nợ.

Lý do là thông tin của họ nằm trong danh bạ của người vay tiền qua các ứng dụng online. Khi vay tiền, người vay buộc phải đồng ý cho phép ứng dụng truy cập danh bạ điện thoại cá nhân hoặc danh sách bạn bè trên mạng xã hội. Nếu người vay không trả tiền đúng hạn thì dữ liệu danh bạ này sẽ bị sử dụng như công cụ gây sức ép đòi nợ.

leftcenterrightdel
 Công an, VKSND TP Thanh Hóa trao đổi nghiệp vụ điều tra, bắt giữ các đối tượng lừa đảo vay tiền các ứng dụng online.

Ông L.V.T ở xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương không hề vay mượn tiền của ai nhưng thời gian gần đây liên tục bị các đối tượng sử dụng số máy điện thoại lạ gọi điện đòi nợ.

Ông T cho biết: “Tôi cũng không biết nguyên nhân ở đâu, bạn nào vay nợ, gia đình chúng tôi không hề biết nhưng trong đó họ có số điện thoại của vợ tôi và họ đưa hình ảnh vợ chồng tôi lên Facebook; rồi gọi điện làm phiền gia đình tôi rất nhiều; tôi cảm thấy cuộc sống tôi bị ảnh hưởng rất nhiều”.

Lợi dụng dịch bệnh COVID-19 bùng phát kéo dài, nhiều người gặp khó khăn về tài chính, các đối tượng sử dụng ứng dụng cho vay trực tuyến hoặc quảng cáo chào mời vay tiền qua điện thoại, qua mạng xã hội đang có xu hướng gia tăng. Việc cho vay qua các ứng dụng rất đơn giản, nhanh chóng. Chỉ thông qua vài cuộc điện thoại, người vay đã có thể nhận được tiền mà không cần phải thế chấp bất cứ tài sản nào.

Tuy nhiên, sự dễ dãi trong vay mượn tiền kéo theo người vay phải trả lãi suất cao, có thể bị đe dọa, bôi nhọ danh dự cả gia đình, người quen trên mạng xã hội nếu không trả tiền đúng hạn.

Trung tá Phùng Văn Thạo, Phó đội trưởng Đội điều tra tổng hợp, Công an TP Thanh Hoá cho biết: “Trong quá trình điều tra, chúng tôi phát hiện thủ đoạn mới của các đối tượng là dùng sim rác để đăng ký zalo, thành công thì các đối tượng huỷ sim. Sau đó dùng zalo ảo để liên lạc với nhau và thực hiện hành vi tấn công khủng bố đối với các con nợ, cả người thân, người quen”.

Thời gian qua, cơ quan Công an đã tiếp nhận rất nhiều tin trình báo của người dân về việc không vay nợ nhưng liên tục bị các đối tượng quấy nhiễu, khủng bố, gây sức ép để đòi nợ.

Luật sư Trịnh Ngọc Ninh, Giám đốc Công ty Luật TNHH Ninh Hoàng Gia khuyến cáo: “Có 2 tình huống xảy ra: Nếu hành vi gây sức ép, tạo ra sức ép về mặt dư luận, xã hội, làm cho những người liên quan đến người vay tiền có hậu quả như sức khoẻ bị xâm hại thì người gây ra hành vi đó phải bị xử lý về tội làm nhục người khác theo điều 155 bộ luật hình sự, còn ở mức nhẹ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định 167 với mức phạt tiền lên đến 10 triệu đồng. Ngoài ra, nếu lợi dụng công nghệ thông tin để thực hiện hành vi vi phạm thì có thể bị xử lý vi phạm hành chính theo nghị định 15 với mức xử phạt lên đến 70 triệu đồng”

Các cơ quan chức năng luôn cảnh báo: Hầu hết các ứng dụng cho vay tiền online là hình thức biến tướng của hoạt động “tín dụng đen” và việc điều tra, bắt giữ, xử lý đối tượng “núp bóng” đằng sau các ứng dụng vay tiền này cũng rất khó khăn. Chính vì vậy, mọi người cần hết sức thận trọng khi sử dụng dịch vụ vay tiền online, tránh gặp phải những hệ luỵ khôn lường cho bản thân và mọi người xung quanh./.

Thái Thanh