Vừa qua công an huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang nhận được trình báo của ông N.H.Đ. ở xã Bình Đức. Ông Đức cho biết ngày 7/10, ông sử dụng điện thoại di động tải app vay tiền. Sau khi hoàn thành đăng ký, một người tên Vương Thành Phong xưng là nhân viên thẩm định của app vay tiền liên hệ và thông báo được vay số tiền 50 triệu đồng.

Ngày 8/10, ông Đ. thực hiện việc rút tiền nhưng không thành công. Nhân viên thẩm định yêu cầu ông chuyển tiền 2 lần, mỗi lần từ 5 đến 5,5 triệu đồng vào số tài khoản do người này cung cấp để chỉnh sửa thông tin.

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa

Ông Đ. làm theo nhưng vẫn không rút được tiền, nhân viên thẩm định tiếp tục yêu cầu chuyển thêm 12 triệu đồng. Lúc này, ông Đ. mới nghi ngờ bị lừa đảo nên đến cơ quan Công an tố giác. Công an huyện Châu Thành đã tiếp nhận thông tin và đang tiến hành điều tra.

Bằng thủ đoạn tương tự, các đối tượng đã lừa và chiếm đoạt của chị N.T.C.K. ở xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành với số tiền 64 triệu đồng, ông N.H.Đ. ở huyện Châu Thành cũng bị lừa 64 triệu đồng. chị T.T.M.T. ở xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành bị lừa 7 triệu đồng.

Cơ quan chức năng cảnh báo người dân cần tỉnh táo trước những lời dụ dỗ, hứa hẹn vay tiền qua các ứng dụng hỗ trợ tài chính trực tuyến; Các đối tượng xấu đánh vào tâm lý muốn được vay vốn nhanh, thủ tục đơn giản,  với số tiền lớn. Sau khi tiếp cận nạn nhân, kẻ lừa đảo sử dụng sim, tài khoản mạng xã hội để hướng dẫn việc thực hiện thủ tục vay thông qua các app. Đối tượng thường đưa ra các lý do như: chuyển tiền để đảm bảo hồ sơ vay; tài khoản yêu cầu vay bị sai hoặc thiếu thông tin; số tiền vay vượt quá định mức vay. Khi nạn nhân tin tưởng chuyển tiền thì các đối tượng lập tức khóa sim, tài khoản đã liên lạc với nạn nhân trước đó, rút tiền khỏi tài khoản./.

 

Sơn Tùng