Nhiều dự án chống ngập “ngốn” mất hàng chục ngàn tỷ đồng liên tục được triển khai trong các năm, thế mà tình cảnh người dân nháo nhào như ong vỡ tổ để dọn “lụt” và bon chen di chuyển trên các tuyến đường “như sông” mỗi khi có mưa hay triều cường dâng cao khi chiều về. Thử hỏi, bao giờ người dân tại TP.HCM mới hết cảnh “lội nước”?


Cần khoảng 80.000 tỷ đồng để giải quyết triệt để ngập nước

Dự án chống ngập trên địa bàn thành phố dường như trở thành “điệp khúc muôn thuở” mà mãi vẫn chưa được khắc phục rốt ráo. Chính vì thế, điều khiến không ít người dân quan tâm là đến bao giờ họ mới thoát khỏi cảnh “lội nước”?


Trao đổi với ông Đỗ Tấn Long - Trưởng phòng quản lý chống ngập nước thuộc Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM, ông Long cho biết: “Theo kế hoạch thực hiện Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 - 2015 ban hành kèm theo Quyết định số 26/2011/QĐ-UBND ngày 14/5/2011 của UBND TP,  cần đầu tư 159 công trình nâng cấp, cải tạo hệ thống cống thoát nước với tổng kinh phí khoảng 9.500 tỷ đồng, tuyến đê bao ven sông Sài Gòn (149km) và 10 cống kiểm soát triều với tổng kinh phí 15.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do khó khăn chung nên kinh phí để đầu tư còn hạn chế, không đúng theo kế hoạch đề ra. Vì vậy, tình trạng ngập trên địa bàn thành phố vẫn còn tồn tại. “Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, tình hình ngập tại thành phố đã giảm rất nhiều so với trước đây” - Ông Long khẳng định.

Tình hình ngập nước vẫn tồn tại là vấn đề trước mắt mà mỗi người dân sinh sống tại TP.HCM đã phải chứng kiến khi có đợt triều cường hay mưa lớn. Do đó, việc các cơ quan ban ngành sẽ có những giải pháp, kế hoạch cụ thể ra sao để cải thiện đô thị mới là vấn đề được dư luận quan tâm nhất trong giai đoạn này. Nói về kế hoạch phòng chống ngập nước tại thành phố, ông Long cho biết: “ Về hệ thống đê bao nội đồng ngoại thành do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách và được biết Sở cũng đã có kế hoạch thực hiện. Riêng kế hoạch dài hạn, thành phố đang triển khai đầu tư tuyến đê bao ven sông Sài Gòn (149km) và 10 cống kiểm soát triều”.

Đã có kế hoạch thực hiện và phương hướng khắc phục, vấn đề còn lại là làm cách nào để nguồn kinh phí đầu tư đạt hiệu quả tốt nhất vẫn đang là một câu hỏi lớn cho các cơ quan ban ngành. Đã dành đến 12.000 tỷ đồng cho dự án đê bao dài 120km chạy dọc bờ hữu sông Sài Gòn từ khu vực bờ nam Vàm Thuật (Q.12) đến cầu Mương Chuối (Nhà Bè). Nhưng đến nay chỉ hoàn thành khoảng 40/159 công trình nâng cấp, cải tạo hệ thống cống thoát nước; 31/149km đê bao và 1/10 cống kiểm soát triều. Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ phát huy hiệu quả ngăn triều cho một số khu vực thuộc quận 1, 3, 10, 12, Phú Nhuận, huyện Hóc Môn, Củ Chi và một phần Q. Tân Bình, Bình Thạnh, Gò Vấp. Còn việc giải quyết triệt để tình cảnh ngập nước tại các khu vực khác thì chắc chắn sẽ cần một khoản kinh phí lớn hơn nữa. Và thông tin cụ thể từ phía Trung tâm điều hành chống ngập nước TP.HCM là để giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước trên địa bàn thành phố cần khoảng 80.000 tỷ đồng. Ngoài ra, cần đầu tư nhiều công trình khác hỗ trợ thoát nước trước tình hình biến đổi khí hậu.

Với con số hàng chục ngàn tỷ đồng “đổ” vào các dự án chống ngập nhưng tình trạng ngập nước vẫn cứ xảy ra “nhan nhãn” khiến cư dân thành phố dần mất lòng tin khi đã “mòn mỏi” đợi chờ được thoát ngập trong một thời gian dài. Thiết nghĩ, với kế hoạch cụ thể và con số kinh phí cụ thể, các cơ quan ban ngành cần phải chọn phương án thực hiện tối ưu nhất và thực hiện cách hiệu quả nhất, tránh làm lãng phí nguồn ngân sách Nhà nước.
 

Theo Đời sống & Tiêu dùng
.