Chiều 24/5, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cùng 16 bị cáo trong vụ án khai thác trái phép hơn 1,5 triệu tấn quặng Apatit, gây thiệt hại hơn 312 tỉ đồng đã khép lại phần tranh tụng, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi HĐXX đi vào nghị án.

leftcenterrightdel
 Hội đồng xét xử. Ảnh H.Nguyên.

Được nói lời sau cùng, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Doãn Văn Hưởng nói: “Tôi năm nay đã gần 70 tuổi, trong khi tuổi thọ trung bình của người Việt là 73. Sau hơn 1 năm, trong quá trình điều tra, tôi phát sinh bệnh tật nhiều. Tôi chỉ mong muốn duy nhất lúc này là sớm được trở về đoàn tụ với gia đình”.

Trước đó, trong phần tự bào chữa, bị cáo Hưởng cho biết, giai đoạn còn làm lãnh đạo tỉnh, khối lượng công việc tại địa phương rất nhiều; và ngay sau ký văn bản liên quan hoạt động thu gom khoáng sản, đã ký một văn bản khác để ngăn chặn những hành vi tiêu cực có thể phát sinh sau đó. “Những văn bản ngăn chặn sau đó đã chưa được nghiêm túc thực hiện, dẫn đến những hậu quả như hôm nay”, bị cáo Hưởng phân trần.

leftcenterrightdel
 Đại diện VKSND tỉnh Lào Cai thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Ảnh: H.Nguyên.

Bị cáo Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai thì đề nghị HĐXX xem xét việc, bản chất là toàn bộ số khoáng sản được khai thác trái phép không bị tuồn ra ngoài, được chế biến và cung cấp hàng triệu tấn phân bón, phục vụ địa phương và các vùng lân cận.

Ngoài ra, đơn vị chế biến, sản xuất đã nộp số tiền lớn vào ngân sách từ việc mua bán số khoáng sản nói trên. Bị cáo Vịnh cũng mong HĐXX xem xét đến một phần công lao đóng góp của bản thân vào sự phát triển của tỉnh Lào Cai những năm gần đây.

Được lời nói sau cùng, các bị cáo khác đều ăn năn, hối cải và mong muốn được hưởng khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt.

Trước đó, sáng 23/5, trong phần luận tội và đề nghị mức án, đại diện VKSND tỉnh Lào Cai đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Vịnh mức án từ 5 - 6 năm tù; Doãn Văn Hưởng từ 4 - 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

leftcenterrightdel
 Từ trái qua phải, các bị cáo: Nguyễn Mạnh Thừa, Nguyễn Văn Vịnh, Doãn Văn Hưởng và các bị cáo trong vụ án. Ảnh: H.Nguyên.

Viện kiểm sát xác định, bị cáo Nguyễn Văn Vịnh với cương vị là Phó Chủ tịch và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, giai đoạn từ 2012 đến 2015, là người chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các hoạt động của UBND tỉnh và trực tiếp chỉ đạo, điều hành công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chủ trương đầu tư… nhưng trong quá trình thực thi công vụ được giao đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh, đã ký nhiều văn bản, Giấy chứng nhận đầu tư và có ý kiến bút phê, chỉ đạo vào các tài liệu khác có liên quan trái quy định của pháp luật, để Công ty Lilama và Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam lợi dụng khai thác và tiêu thụ trái phép khoáng sản là quặng Apatit, tại Khai trường 18 thuộc thôn 2, xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai thông qua thực hiện dự án Khách sạn, nhà hàng và việc cải tạo mặt bằng khu mỏ. Hành vi của bị cáo Vịnh đã tạo điều kiện cho Công ty Lilama và Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam khai thác và tiêu thụ trái phép hơn 974 nghìn tấn quặng Apatit, trị giá hơn 312 tỉ đồng.

Bị cáo Nguyễn Văn Vịnh khai nhận, vào giáp Tết Nguyên đán năm 2015, khi bị cáo làm Bí thư Tỉnh uỷ Lào Cai và sau khi Công ty đã khai thác và tiêu thụ trái phép xong quặng Apaptit, Nguyễn Mạnh Thừa - Giám đốc Công ty Lilama đã mang 5 tỉ đồng đến nhà bị cáo tặng quà Tết.

leftcenterrightdel
 Bị cáo Doãn Văn Hưởng tại phiên xét xử.

Đối với bị can Doãn Văn Hưởng, từ tháng 8/2011 đến năm 2015, với cương vị là Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trực tiếp phụ trách lĩnh vực công tác tài nguyên môi trường và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, là người chịu trách nhiệm quản lý toàn diện các hoạt động của UBND tỉnh và trực tiếp phụ trách chỉ đạo, điều hành công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và chủ trương đầu tư... nhưng trong quá trình thực hiện công việc được giao đã không thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh; tham gia cuộc họp Thường trực UBND tỉnh nhất trí với kết luận của bị can Vịnh: “Đồng ý chủ trương cấp diện tích 3,77 héc-ta cho Công ty Li La Ma xây dựng dự án khách sạn nhà hàng, nếu có quặng thì được tận thu..."

Hành vi của bị can đã tạo điều kiện cho Công ty Lilama và Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam khai thác và tiêu thụ trái phép hơn 806 nghìn tấn quặng Apatit các loại, có giá trị hơn 217 tỉ đồng. Công ty Lilama và Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam đã nộp thuế, phí hơn 16 tỉ đồng, thu lợi bất chính hơn 201 tỉ đồng. 

Sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, Chủ tọa phiên tòa thông báo, HĐXX sẽ nghị án kéo dài và tuyên án vào 14h ngày 29/5.

Hồng Nguyên