leftcenterrightdel
Sau COVID-19, tuyến xe buýt Bãi Cháy - Vân Đồn chỉ khai thác hết 25% công suất xe.

Ngày 15/7/2022, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Quảng Ninh ra Văn bản số 3348/SGTVT-QLVT&PT về việc tham gia ý kiến đối với việc chuyển hoạt động tuyến vận tải khách cố định Liên Vị (Quảng Yên) - Cái Rồng (Vân Đồn) thành tuyến xe buýt, gửi các cơ quan chức năng và doanh nghiệp vận tải có liên quan.

Theo đó, Sở GTVT Quảng Ninh đã họp bàn tìm giải pháp theo đề nghị một số đơn vị chuyển tuyến vận tải khách cố định Liên Vị - Cái Rồng thành tuyến xe buýt chất lượng cao. Cụ thể: Công ty Cổ phần Bến xe Quảng Ninh được chủ trì xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quản lý, vận hành hoạt động tuyến buýt sau khi chuyển đổi; các đơn vị (chủ xe) đang hoạt động có quyền lựa chọn tham gia hoạt động khi chuyển đổi tuyến theo hình thức góp vốn hoặc cho thuê phương tiện, lái xe linh hoạt phù hợp với nhu cầu, khả năng tham gia của chủ xe…

Để có cơ sở xem xét, phê duyệt chủ trương chuyển tuyến vận tải khách cố định Liên Vị - Cái Rồng thành tuyến xe buýt, Sở GTVT Quảng Ninh đề nghị Công an tỉnh, Văn phòng Ban ATGT tỉnh, UBND TP Hạ Long, UBND thị xã Quảng Yên, UBND huyện Vân Đồn, các đơn vị kinh doanh vận tải cho ý kiến về chủ trương này.

leftcenterrightdel
 Nếu tuyến xe buýt Liên Vị - Cái Rồng được hình thành thì tỷ lệ trùng tuyến nhiều sẽ khiến cả doanh nghiệp đang khai thác và cả doanh nghiệp sắp khai thác "chết yểu".

Trước chủ trương lấy ý kiến để chuyển tuyến vận tải khách cố định Liên Vị - Cái Rồng thành tuyến xe buýt, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều doanh nghiệp vận tải bức xúc, đã có động thái “phản pháo” dữ dội.

Trong văn bản phúc đáp gửi Sở GTVT Quảng Ninh, Công ty Cổ phần xe khách Vân Đồn và Công ty Cổ phần xe buýt Bãi Cháy Quảng Ninh cho hay: Trên cung đường từ Vân Đồn đi Quảng Yên đang hiện hữu 2 tuyến xe buýt Bãi Cháy - Vân Đồn do Công ty Cổ phần xe khách Vân Đồn, Công ty Cổ phần xe buýt Bãi Cháy Quảng Ninh và tuyến Hòn Gai – Quảng Yên do Công ty TNHH Phúc Xuyên đảm nhận. Hai tuyến trên đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, hành khách từ Đông Triều, Quảng Yên, Hoành Bồ đi Mông Dương, Vân Đồn và ngược lại.

Với lộ trình tuyến xe buýt dự kiến hình thành (Liên Vị - Cái Rồng) sẽ gây trùng tuyến rất lớn đến các tuyến xe buýt đang hoạt động nhiều năm nay của Công ty cổ phần xe khách Vân Đồn, Công ty cổ phần xe buýt Bãi Cháy Quảng Ninh và Công ty TNHH Phúc Xuyên. Bên cạnh đó, việc “thu gom” những xe trước đây hoạt động tuyến Liên Vị - Cái Rồng, chuyển sang hoạt động dưới hình thức xe buýt, thực chất chỉ là “bình mới, rượu cũ”.

Ông Ngô Sơn Hà - Giám đốc Công ty cổ phần xe khách Vân Đồn nêu ý kiến: Hiện nay, trên tuyến Bãi Cháy - Vân Đồn, tần suất xe đang chạy 5 phút/ 1 chuyến. Sau đại dịch COVID-19, số lượng hành khách được phục vụ trên tuyến hiện chỉ đạt 25% công suất xe.

Nếu như chuyển đổi thêm 67 xe khách (của tuyến dự kiến Liên Vị - Cái Rồng) thành xe buýt thì tần suất xe chỉ còn 2,5 phút đến 3 phút/ 1 xe, tức là xe buýt sẽ dày đặc trên đường, gây hỗn loạn giao thông, và tỷ lệ xe chạy “rỗng” sẽ rất cao.

“Do đại dịch COVID-19, Công ty Cổ phần xe khách Vân Đồn và Công ty Cổ phần xe buýt Bãi Cháy Quảng Ninh gặp nhiều khó khăn. Thậm chí, lãnh đạo doanh nghiệp phải thế chấp cả nhà để duy trì hoạt động. Việc Sở GTVT Quảng Ninh “chỉ định” công ty khác mở tuyến xe buýt mới trùng 100% tuyến xe buýt của 2 doanh nghiệp chúng tôi, không khác gì đang rút ống thở của người đang thoi thóp...?!” - Ông Ngô Sơn Hà, Giám đốc Công ty cổ phần xe khách Vân Đồn,  phản ánh.

leftcenterrightdel
 Bến xe Bãi Cháy.

Theo lãnh đạo của Công ty Cổ phần xe khách Vân Đồn và Công ty Cổ phần xe buýt Bãi Cháy Quảng Ninh, chủ trương điều chỉnh tuyến xe buýt còn tồn tại một số vấn đề chưa phù hợp.

“Tại Văn bản số 3348/SGTVT-QLVT&PT của Sở GTVT Quảng Ninh xác định, việc trùng tuyến là 23,15% là hoàn toàn không đúng... Có thể nói, trùng 100% trên tuyến 01 Bãi Cháy- Vân Đồn.

Theo các chuyên gia giao thông, khi so sánh lộ trình các tuyến buýt đang khai thác và tuyến buýt dự kiến (Liên Vị - Cái Rồng) – tỷ lệ trùng tuyến rất lớn. Tỷ lệ trùng tuyến nhiều sẽ tạo ra nguy cơ “giết chết” cả doanh nghiệp đang khai thác và cả doanh nghiệp sắp khai thác.

Trao đổi với ông Bùi Hồng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ninh, ông Minh cho biết, sau khi xin ý kiến, chúng tôi sẽ tổng hợp lại và tiến hành khảo sát về lưu lượng, nhu cầu thị trường… trong trường hợp thấy khả thi thì Sở sẽ báo cáo với tỉnh, còn thấy không khả thi thì chúng tôi sẽ có trả lời cho các doanh nghiệp kiến nghị. Ông Minh cũng khẳng định, đây không phải chủ trương của Sở GTVT mà hoàn toàn xuất phát từ ý kiến của doanh nghiệp, đồng thời Sở Giao thông vận tải đang thụ lý đúng quy trình.

Theo thạc sĩ Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng Bộ môn Quy hoạch và Quản lý giao thông vận tải (Đại học Giao thông vận tải), nhìn vào lộ trình, tuyến buýt dự kiến có tỷ lệ trùng tuyến khoảng 2/3 lộ trình so với các tuyến buýt đang khai thác, như thế là quá cao.

Tuyến buýt dự kiến chỉ nên kết nối từ Bến xe Bãi Cháy đến bến mới dự kiến. Tần suất dịch vụ của những tuyến đang khai thác thì hiện đang ở mức rất cao, với 5 - 7 phút một chuyến xe.

Với tần suất hiện có, nếu Sở GTVT Quảng Ninh chấp thuận tăng thêm phương tiện, tăng thêm các tuyến xe nữa – tất yếu sẽ gây ra những “vấn đề” xấu về hiệu quả hoạt động, sẽ phá vỡ sự ổn định đang có. Và đối tượng chịu thiệt hại nhất trong trường hợp này là các nhà vận tải khai thác tuyến – cả cũ và mới - vì họ sẽ bị chia sẻ hành khách.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: Việc tổ chức thêm các tuyến vận tải buýt mới của Quảng Ninh, thì thứ nhất, phải có các nghiên cứu đầy đủ về nhu cầu đi lại hiện nay trên tuyến đường và nhu cầu đấy hiện đang được đáp ứng đến đâu. Có cần thiết phải tăng thêm tuyến mới hay là không?

Thứ hai, là phải nghiên cứu đánh giá được tác động và hệ quả của việc tăng thêm tuyến mới. Chứ nếu không nghiên cứu đầy đủ, thì đề xuất đó có thể nảy sinh những hệ quả tiêu cực.

Bởi vì, khi các tuyến buýt hiện tại đang hoạt động, đang được duy trì một cách bình thường, mà vẫn tăng thêm tần suất và cùng chạy trên cái tuyến đó, tức là tăng sự cung ứng một cách quá mức – thì hiệu quả về hoạt động vận tải trên các tuyến đó không còn nữa, dẫn tới khủng hoảng về cung cầu, làm cho doanh thu của các đơn vị vận tải và chi phí của họ bỏ ra sẽ không cân đối được. Phá vỡ sự ổn định của tuyến.

Và tất yếu, nảy sinh sự cạnh tranh không lành mạnh. Lái xe của nhiều hãng cùng chạy trên tuyến sẽ chạy đua, tranh giành khách với nhau… phát sinh nhiều hệ lụy không tốt trong trật tự và an toàn giao thông.

Khánh An - Trúc Quyên