Theo Tờ trình, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô. Các bộ, ngành, địa phương, nhất là TP Hà Nội đã dành sự quan tâm đặc biệt, tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm để thi hành Luật.

Tuy nhiên, qua hơn 9 năm thi hành Luật Thủ đô, việc thực hiện một số mục tiêu, giải pháp, quy định đề ra trong Luật còn nhiều tồn tại, hạn chế trong các lĩnh vực: Xây dựng, hoàn thiện thể chế và quản lý thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch kỹ thuật chuyên ngành, nhất là trong quy hoạch quản lý không gian, không gian ngầm, công trình kiến trúc cổ, bảo tồn và phát triển văn hóa và quy hoạch xây dựng nhà ở, khu đô thị; Quản lý, sử dụng đất, nhất là đất sử dụng cho các công trình hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hạ tầng xã hội, văn hóa, tôn giáo, công trình công cộng phục vụ cộng đồng, dân cư; Cơ chế tài chính, chính sách liên kết vùng, nhất là các chính sách về thu chi ngân sách để thúc đẩy đầu tư phát triển; Quản lý dân cư, bảo vệ Thủ đô bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; Chính sách an sinh xã hội, phát triển giáo dục, KHCN, bảo vệ môi trường…

Về mục tiêu xây dựng dự án Luật Thủ đô nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng cơ chế đặc thù, vượt trội; khắc phục những khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh trong quá trình thi hành Luật Thủ đô để xây dựng, phát triển Thủ đô với vị trí, vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá, hướng tới đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.

Về bố cục, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 62 điều, quy định vị trí, vai trò của Thủ đô; tổ chức chính quyền tại Thủ đô; xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực đầu tư phát triển Thủ đô; liên kết, phát triển Vùng Thủ đô.

leftcenterrightdel
 Một góc Thủ đô Hà Nội. (Ảnh minh hoạ)

Về vị trí, vai trò của Thủ đô, dự thảo Luật nêu rõ: Thủ đô nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là Hà Nội. Thủ đô là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, nơi đặt trụ sở của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.

Trụ sở cơ quan trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ đặt tại khu vực Ba Đình TP Hà Nội.

Về trách nhiệm xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô, theo dự thảo Luật quy định: Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và nhân dân TP Hà Nội; là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và Nhân dân cả nước.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp Nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.

Nhà nước ưu tiên đầu tư, thu hút các nguồn lực nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, Vùng Thủ đô để xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng quy định về trách nhiệm của Thủ đô, đó là: Xây dựng, phát triển Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, tiêu biểu cho cả nước.

Bảo đảm an toàn, thuận lợi cho hoạt động của các cơ quan trung ương của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế và cho việc tổ chức các chương trình, sự kiện quốc gia, quốc tế trên địa bàn Thủ đô.

Chủ động phối hợp và hỗ trợ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước thông qua việc mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác cùng phát triển.

Chủ động, tích cực mở rộng quan hệ, hợp tác hữu nghị với thủ đô các nước, tranh thủ các nguồn lực bên ngoài để xây dựng, phát triển Thủ đô; tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan, tổ chức, Nhân dân Thủ đô tham gia các hoạt động giao lưu và hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, khoa học và công nghệ.

Mặt khác, dự thảo Luật cũng nêu rõ, biểu tượng của Thủ đô là hình ảnh Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Về danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô, dự thảo Luật nêu rõ: Danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô được trao tặng cho người nước ngoài có đóng góp trong việc xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô hoặc trong việc mở rộng, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, quan hệ hợp tác quốc tế của Thủ đô.

Hội đồng nhân dân TP Hà Nội quy định điều kiện, thủ tục tặng, thu hồi danh hiệu công dân danh dự Thủ đô được quy định tại khoản 1 Điều này.

Các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, tổ chức xã hội, xã hội - nghề nghiệp có trách nhiệm phát hiện, giới thiệu, đề nghị cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội xét và tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.

Ngoài ra, dự thảo Luật còn quy định về Vùng Thủ đô. Cụ thể, Vùng Thủ đô là vùng phát triển kinh tế tổng hợp, tập trung hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật quốc gia; địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Vùng Thủ đô gồm Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hòa Bình, Hưng Yên, Phú Thọ, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. Thủ đô Hà Nội là trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển Vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

P.V