Năm 2021 là năm đầu tiên xây dựng, tổ chức và triển khai các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, nhằm thực hiện thành công Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bộ Xây dựng đã tổ chức quán triệt, ban hành đầy đủ, kịp thời các chương trình, kế hoạch hành động của Bộ để thực hiện các nhiệm vụ trong năm 2021 và các mục tiêu tăng trưởng theo kế hoạch 5 năm 2021 – 2025.

Trong năm 2021,  kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của ngành Xây dựng (so với năm 2020): Tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc đạt 40,5%; Tỷ lệ dân cư khu vực thành thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 90,8%; Tỷ lệ thất thoát thu nước sạch giảm còn 17,8%; Tỷ lệ tổng lượng nước thải thu gom 15% (tăng 1% so với năm 2020).

Công tác quản lý đầu tư xây dựng và giám sát chất lượng công trình, do tác động của sự tăng giá các vật liệu xây dựng đầu vào tăng cao bất thường, tác động tiêu cực đến các hoạt động xây dựng trong năm 2021, Bộ Xây dựng đã có các văn bản gửi các cơ quan liên quan và các địa phương chỉ đạo Sở Xây dựng thường xuyên theo dõi, kịp thời cập nhật, điều chỉnh công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng cho phù hợp, đề xuất các giải pháp khắc phục, giảm thiểu tác động tiêu cực từ tăng giá thép, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu thi công xây dựng, doanh nghiệp xây dựng.

leftcenterrightdel
 Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu tại họp báo.

Trả lời câu hỏi liên quan đến các chính sách khuyến khích phát triển nhà ở xã hội được Bộ Xây dựng đề xuất trong gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng nhấn mạnh, mục đích của chính sách hỗ trợ hướng tới phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, không phải tập trung vào thị trường bất động sản, do vậy, không phải lo ngại ảnh hưởng đến giá nhà đất. Tuy nhiên, thị trường bất động sản luôn phải được kiểm soát để phát triển lành mạnh.

Tại cuộc họp báo, liên quan đến vấn đề “sốt” đất tại một số địa phương, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, sau khi TP Hồ Chí Minh thực hiện đấu giá đất tại khu vực Thủ Thiêm, Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ cùng các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố đánh giá về kết quả đấu giá đất cao bất thường vừa qua để có đánh giá chung về thị trường bất động sản. Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi các địa phương đề nghị đánh giá cụ thể về giá đất trên địa bàn, khi có đủ thông tin sẽ tổng hợp, báo cáo.

Cũng trong buổi họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên về vấn đề khối lượng xuất khẩu Xi măng, Clinker trong năm 2021 tăng đột biến so với năm 2020, ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng cho biết: Theo quy định của pháp luật hiện nay thì mặt hàng Xi măng được sản xuất từ nguyên liệu chính là Clinker mà Clinker là sản phẩm được chế biến từ tài nguyên, khoáng sản đã được chế biến thành sản phẩm khác. Do vậy, Xi măng và Clinker không phải là tài nguyên, khoáng sản nên mặt hàng xi măng khi xuất khẩu không thuộc trường hợp xuất khẩu tài nguyên khoáng sản, do đó, hiện chưa có quy định khống chế về số lượng xuất khẩu Xi măng, Clinker theo hạn ngạch – quota. Giải thích về lý do khối lượng xuất khẩu Xi măng, Clinker tăng đột biến trong năm 2021, ông Bắc cho rằng, do ảnh hưởng của dịch COVID -19 nên hoạt động xây dựng nội địa ở Việt Nam trong năm vừa qua sụt giảm, sức tiêu thụ nội địa giảm sâu, do đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh Xi măng, Clinker tự chủ động tìm nguồn khách hàng mới từ nước ngoài để kí kết hợp đồng buôn bán, duy trì hoạt động sản xuất, theo quy luật của kinh tế thị trường.

Về việc này, trong thời gian tới, Vụ luật liệu xây dựng sẽ thống kê cụ thể và báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng, để có những văn bản khuyến cáo về tình hình khai thác sản xuất Clinker tại các địa phương, qua đó điều tiết tình hình hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, và sản xuất Clinker nói riêng để chủ yếu phục vụ hoạt đông xây dựng trong nước theo đúng quy định của Chính phủ về tỉ lệ xuất khẩu không quá 30%. 

Phát biểu chỉ đạo họp báo, Thứ trướng Lê Quang Hùng ghi nhận các ý kiến trao đổi của các phóng viên, đồng thời, đề nghị Văn phòng Bộ Xây dựng trong năm 2022 tích cực đổi mới hoàn thiện công tác thông tin, trả lời  các cơ quan báo chí theo đúng quy định của pháp luật.  Bộ Xây dựng cũng mong muốn các cơ quan báo chí, thông tấn tiếp tục hợp tác  thông tin, tuyên truyền các hoạt động, chính sách của ngành, cung cấp thông tin phản ánh, đánh giá của xã hội về nhiều lĩnh vực nóng như “ biến động của thị trường bất động sản”, giá “nhà ở chính sách – xã hội”, thị trường vật liệu xây dựng…qua đó, phối hợp với Bộ Xây dựng thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch chủ yếu của ngành trong thời gian tới.

Tin,ảnh : Hải Tường.