Giải ngân nguồn vốn đầu tư công chưa đạt

Kế hoạch đề ra đầu năm 2021 của tỉnh Quảng Nam về giải ngân nguồn vốn đầu tư công là từ 95-100%. Tuy nhiên, tính đến ngày 19/11/2021, tổng vốn đầu tư công năm 2021 của Quảng Nam đã giải ngân mới chỉ đạt 60,4%. Trong đó, các dự án do địa phương quản lý đạt 59,3%, và các dự án sử dụng vốn do Trung ương quản lý đạt 60,5%.

Được biết, tổng vốn đầu tư công năm 2021 trên toàn tỉnh Quảng Nam (không bao gồm các dự án do Trung ương quản lý) là hơn 7 ngàn tỉ đồng. Trong đó, kế hoạch vốn năm 2021 sau khi điều chỉnh là 5 ngàn tỉ đồng, kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài 2 ngàn tỉ đồng.

leftcenterrightdel
 Tỉnh Quảng Nam đang triển khai nhiều dự án từ ngân sách. Ảnh: Hoàng Anh.

Về việc nguồn vốn đầu tư công được giải ngân chưa đạt như kỳ vọng, tại phiên họp thẩm tra kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2022 của tỉnh Quảng Nam mới đây, các đại biểu cho rằng nỗ lực cắt giảm hay điều chuyển vốn vẫn chưa trở thành giải pháp hữu hiệu để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Nhiều thủ tục vẫn chưa thực sự được cắt giảm nên công tác chuẩn bị đầu tư thường kéo dài.

Bên cạnh đó, công tác đấu thầu có nơi chưa thật sự nghiêm túc, thiếu sự giám sát thường xuyên của cơ quan chức năng, xảy ra một số sai phạm, gây hậu quả nghiêm trọng buộc phải hủy kết quả đấu thầu. Cùng với đó, những nguyên nhân khách quan khác như giá vật liệu xây dựng tăng cao, dịch bệnh COVID - 19 diễn biến phức tạp,… đã tác động rất lớn tình hình thực hiện dự án và giải ngân vốn.

Một vấn đề khác đáng quan tâm là số nợ đọng xây dựng cơ bản. Đến hết quý III/2021 nợ đọng tại tỉnh Quảng Nam là hơn 1 ngàn tỉ đồng, so với cùng kỳ 2020 thì cấp tỉnh tăng 9,8 tỉ đồng, cấp huyện tăng 30,2 tỉ đồng. Một số địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản từ ngân sách cấp huyện lớn hơn 1,5 lần mức phân cấp cân đối ngân sách hàng năm của cấp huyện như Tam Kỳ, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Tiên Phước, Tây Giang. Trong đó, có một số huyện gần như không đảm bảo nguồn vốn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trên địa bàn huyện. Điều này đặt ra yêu cầu phải bố trí nguồn vốn của kế hoạch năm sau để xử lý, tạo ra áp lực đối với ngân sách các cấp.

Cắt giảm, điều chuyển vốn đầu tư công sang các dự án giải ngân cao

Để khắc phục việc chậm giải ngân nguồn vốn đầu tư công, tại phiên họp thẩm tra kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch đầu tư công năm 2022, các đại biểu đã đưa ra nhiều định hướng với quyết tâm khắc phục cơ bản các hạn chế về tỉ lệ, tiến độ giải ngân vốn đồng thời tăng cường vai trò trách nhiệm các cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công.

Đánh giá về nhu cầu đầu tư và khả năng cân đối vốn, nhiều đại biểu cho rằng trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư năm 2022 thấp hơn dự báo nhưng số dự án các ngành và địa phương đề xuất khá nhiều. Do vậy, kế hoạch đầu tư năm 2022 phải được xây dựng trên cơ sở tuân thủ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Tiếp tục cơ cấu lại đầu tư nguồn ngân sách nhà nước theo hướng tập trung, khắc phục tình trạng bố trí vốn dàn trải, bảo đảm nâng cao hiệu quả đầu tư... Cũng từ thực tế về tiến độ giải ngân năm 2021, để sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công 2022 trong điều kiện khả năng cân đối có hạn, nhiều đại biểu đề nghị tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh.

leftcenterrightdel
 Thường trực HĐND tỉnh Quảng Nam tổ chức phiên họp giải trình chấp hành pháp luật về đầu tư công vào tháng 6/2020. Ảnh: X.N

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam -  Phan Việt Cường yêu cầu Sở KH-ĐT rà soát, phân tích, đánh giá, lý giải về khả năng giải ngân vốn đầu công, các kế hoạch, phương án đầu tư công năm 2022 và trung hạn. Trong đó, phải làm rõ các hạn chế, vướng mắc trong quản lý điều hành của cơ quan quản lý và các chủ đầu tư.

Đồng thời, chỉ đạo các cấp, ngành tập trung tối đa nguồn lực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án trọng điểm. Tiếp tục nâng cao vai trò của các Tổ công tác trong rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại ngành và địa phương. Các sở quản lý chuyên ngành tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thẩm định dự án, điều chỉnh, bổ sung dự án, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công, dự toán theo quy định.

Tương tự, để tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ông Lê Trí Thanh  - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan căn cứ kết quả giải ngân các tháng còn lại của năm 2021, kiên quyết điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn đầu tư công. Nguồn vốn cắt giảm sẽ được điều chuyển cho các dự án có khả năng giải ngân cao. 

Xuân Nha