Sao lại gọi là “cò”?

Trong một buổi cà phê sáng, anh bạn giữ cương vị Trưởng phòng của một công ty BĐS có tiếng ở Đà Nẵng gay gắt chỉ trích “tại sao báo chí lại dùng từ “cò””? khi nói về những người làm công việc giới thiệu BĐS. ““cò” nghe nó miệt thị và phân biệt làm sao ấy. Tại sao báo chí không dùng đúng từ là những người môi giới BĐS mà lại dùng từ cò”?, anh bạn thắc mắc.

Chuẩn rồi, anh bạn nói đúng, thắc mắc không sai. Những người làm công việc môi giới mua bán nhà, đất thì phải gọi đúng tên của họ là những người môi giới BĐS mới đúng. Tuy vậy, môi giới BĐS đó là từ nên dùng cho những người đúng nghĩa làm công việc môi giới BĐS. Còn thời gian gần đây, tại Đà Nẵng và Quảng Nam dường như “cò” nhiều hơn cả những người môi giới BĐS đúng nghĩa.

leftcenterrightdel
 Người dân tại Quảng Nam và Đà Nẵng dễ dàng trở thành "cò" đất

Tại sao lại là “cò”? Bởi vì những người này hầu như chỉ là những người hầu như chẳng cần bỏ ra một chút thời gian nào để tìm hiểu về BĐS cả. Với họ chỉ biết đọc, biết viết và có chút năng khiếu ăn nói là có thể đi mua bán đất. Họ chẳng cần qua trường lớp đào tạo nào cả và cũng chẳng cần đến một công việc lâu dài tại một công ty BĐS nào. Họ làm theo kiểu tự phát và theo thời vụ nhất định. Họ làm việc theo bản năng và kinh nghiệm,cung cấp thông tin theo kiểu càng nhiều càng tốt đến khách hàng, mặc dù chưa cần biết có đúng hay không, chỉ cần thuyết phục khách hàng mua BĐS của họ đang bán là được.

Trong khi đó, một người môi giới BĐS đúng nghĩa là trải qua quá trình đào tạo bài bản nên kỹ năng của một người môi giới không chỉ dừng lại ở việc cung cấp các thông tin về dự án cho khách hàng mà họ còn biết xử lý những rắc rối về pháp lý, thủ tục tài chính… Những người này thường có hợp đồng làm việc với những công ty BĐS rõ ràng, kéo theo họ không chỉ phải chịu trách nhiệm của cá nhân mà còn phải chịu trách nhiệm với chính công ty BĐS mà họ đang công tác.

“Cò" bẫy người!                               

Chuyện gì đang xảy ra với thị trường BĐS tại Đà Nẵng và Quảng Nam trong thời gian gần đây?.

Cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, đất nền tại Đà Nẵng và Quảng Nam tự nhiên “sốt” một cách bất thường. Và rồi người người nhà nhà nhà bỏ việc đi buôn đất. Anh xe ôm, chị bán nước cũng dễ dàng trở thành người môi giới BĐS. Không cần biết dự án này, dự án nọ, họ chỉ cần thuyết phục để bán được lô đất để rồi kiếm tiền chênh lệch là được, không cần biết người mua đất sẽ sử dụng miếng đất đó ra sao, để làm gì.

Vậy nên, họ làm mọi cách để làm cho giá đất mà họ đang rao bán được đẩy lên càng cao càng tốt. Giá được đẩy lên càng cao thì tiền chênh lệch được hưởng càng nhiều. Vì vậy cũng có lý khi chị Ly, như chúng tôi đã nhắc đầu bài dùng cụm từ “cò bẫy người”.

leftcenterrightdel
 "Cò" đất tung tin đồn thất thiệt lên mạng xã hội nhằm thổi giá đất

Chị Ly nói có lý khi mà gần đây nhiều cái “bẫy” đã được “cò" giăng ra để dụ người mua đất. Ở Đà Nẵng cuối năm 2018, “cò” đã làm giả cả văn bản của UBND TP.Đà Nẵng, giả chữ ký của chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ về việc “Phê duyệt dự án” để đẩy giá đất tại Hòa Xuân, Q.Cẩm Lệ lên, kích giá và sức mua đất ở khu vực này. Đầu Năm 2019, “cò” chuyển hướng vào Quảng Nam giả chữ ký và văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam để đầu cơ đất thổi giá đất tại khu vực TP.Hội An.

Khi những chiêu trò này đã cũ và bị phát giác, “cò” lại “đổi chiêu” tung các tin đồn thất thiệt khác cũng chỉ một mục đích duy nhất là “thổi” giá đất lên cao. Khi sự việc “cò” tung tin huyện Hòa Vang sẽ được tách ra để thành lập quận mới. “Cò” đăng lên mạng xã hội facebook dòng trạng thái “Tin nóng: TP.Đà Nẵng chuẩn bị có quận mới được thành lập mang tên Hiếu Đức thành lập cuối năm nay, gồm 4 xã Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Tiến. Chúng tôi có hơn 100 lô đất ở nông thôn thuộc khu vực này sổ đỏ chính chủ, giá từ 1,3 tỷ đến 1,8 tỷ với các trục đường 5m5 đến 10m5; vị trí cực đẹp, diện tích lớn. Cơ hội đầu tư có một không hai để khách hàng có thông tin và đi khảo sát". Sau đó Sở Nội vụ TP Đà Nẵng phải chính thức lên tiếng rằng đó chỉ là tin đồn thất thiệt nhằm đẩy giá đất.

Sau đó không lâu, “cò” lại tung tin thất thiệt đăng tải tràn lan trên mạng xã hội với nội dung một số đơn vị hành chính cấp xã của thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) sắp sáp nhập về TP.Đà Nẵng.

Trước tin đồn mà “cò” tung ra UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) phải ra văn bản gửi các xã, phường, nhằm chấn chỉnh thông tin thất thiệt này để ngăn chặn tình trạng mua bán chuyển nhượng trái phép đất nông nghiệp trên địa bàn.

Xuân Nha