Ngày 31/3, tại Quyết định số 259/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2040.

Theo Quyết định số 259/QĐ-TTg, quy mô lập quy hoạch có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 26.736 ha, bao gồm phần diện tích hiện hữu của huyện Diên Khánh có diện tích khoảng 1.314 ha.

leftcenterrightdel
 Một góc phố biển Nha Trang. Ảnh: NH.

Mục tiêu của đồ án quy hoạch nhằm phát huy thương hiệu thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển đối với quốc gia và quốc tế, thông qua nâng cấp chất lượng không gian và du lịch đô thị, hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch đẳng cấp quốc tế, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khai thác bền vững tài nguyên du lịch hiện có, với nét nổi bật đặc hữu là chuỗi không gian ven biển, không gian đảo và không gian sinh thái;

Hỗ trợ phát triển dịch vụ hậu cần hàng hải, thương mại - dịch vụ du lịch kết hợp với bảo vệ môi trường; Đầu tư mới và tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng công trình hạ tầng kỹ thuật đầu mối (cảng biển, các khu kho vận, đường sắt, bến xe đầu mối) và các tuyến giao thông trọng yếu;

Hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng xã hội - kỹ thuật đô thị. Tiến tới nâng cao vị thế thương hiệu quốc tế thành phố du lịch nghỉ dưỡng biển. Bước đầu trở thành một thành phố thương mại tài chính tầm vóc quốc gia và khu vực Đông Nam Á.

leftcenterrightdel
Mặt tiền đường biển Trần Phú, Nha Trang. Ảnh: NH.

Quy hoạch điều chỉnh chung TP Nha Trang cụ thể hoá mục tiêu, định hướng xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Bộ Chính trị và Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 318/QĐ-TTg ngày 29 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ: thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân, là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực; phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò một cực tăng trưởng quan trọng, cửa ngõ hội nhập quốc tế của tỉnh Khánh Hòa.

Quy mô dân số của TP Nha Trang khoảng 640.000 người đến năm 2030 và 780.000 người đế năm 2040.

Với điều chỉnh quy hoạch chung, Nha Trang không chỉ là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của tỉnh Khánh Hòa mà còn là trung tâm kinh tế, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo và y tế của vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên; trung tâm du lịch, thương mại - tài chính, dịch vụ cảng biển du lịch của vùng Nam Trung Bộ và cả nước; là đô thị du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế, có vai trò và vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường biển.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh khu vực nội đô Nha Trang. Ảnh: NH.

Theo quy hoạch được duyệt, mô hình, cơ cấu đô thị của Nha Trang được tổ chức đô thị đa trung tâm, trọng tâm là dải đô thị ven biển và các trung tâm gắn với các khu vực cảnh quan, các trục chính đô thị, các hệ sinh thái đặc thù. Hướng phát triển đô thị mở rộng không gian về phía Bắc, Tây Bắc, phía Tây, phía Nam và phía Đông hướng ra biển ở khu vực Vĩnh Lương, Phước Đồng và trên các đảo.

Định hướng phát triển các phân vùng đô thị của Nha Trang gồm 14 khu vực, với các định hướng quy hoạch chính về quy mô, diện tích, dân số, tính chất, chức năng; các chỉ tiêu kiểm soát về quy hoạch được quy định tại quy định quản lý quy hoạch theo đồ án.

PV