Ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 318/QĐ-TTg, phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phạm vi ranh giới quy hoạch bao gồm toàn bộ phần lãnh thổ đất liền tỉnh Khánh Hòa và không gian biển được xác định theo Luật Biển Việt Nam năm 2022, Nghị định số 40/2016/NĐ-CP, ngày 15/5/2016 của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Về quan điểm phát triển, quyết định 318/QĐ-TTg nêu rõ, Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 thống nhất, đồng bộ với mục tiêu, định hướng chiến lược phát triển KT-XH của cả nước, chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đảm bảo dân chủ, sự tuân thủ, tính liên tục, kế thừa, ổn định, phủ hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng.

Xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa thành thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc, trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Trung Bộ.

Xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế và trên cơ sở tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển là nền tảng; công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn,..

Mục tiêu, đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao.

GRDP bình quân đầu người phấn đấu vào nhóm 15 tỉnh, thành cao nhất cả nước. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Hệ thống đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc với một số đô thị đạt đẳng cấp quốc tế. Nhân dân được hưởng thụ mức sống cao, hiền hòa và hạnh phúc.

Hệ sinh thái và cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; có năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển, đảo được bảo đảm vững chắc.

leftcenterrightdel
 Mục tiêu, đến năm 2030, Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đô thị phát triển theo hướng hiện đại, thông minh. Ảnh: NH.

Thời kỳ 2021- 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021- 2030 đạt 8,3%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 189 triệu đồng, tăng trưởng năng suất lao động bình quân 7%, tỉ lệ đô thị hóa đạt tỉ lệ 70%, tuổi thọ bình quân đạt 75 tuổi, trong đó thời gian sống khỏe mạnh đạt 68 tuổi, tỉ lệ người dân tham gia BHYT đạt 98% dân số, đạt 40 giường bệnh và 14 bác sĩ /10.000 dân, duy trì tỉ lệ che phủ rừng đạt 46%, tỉ lệ chất thải nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý đạt 100%,..

Phát triển hệ thống cảng biển Khánh Hòa là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I, tạo tiền đề để khu bến Vân Phong phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế; có bến cảng tổng hợp, container, bến cảng khách quốc tế.

Thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nghiên cứu xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Về hệ thống đô thị, đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 độ thị loại I (TP Nha Trang và đô thị mới Camn Lâm), 1 đô thị loại II (Cam Ranh), 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV. Trong đó Nha Trang là đô thị hạt nhân, Cam Ranh là đô thị du lịch- Logistics, huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng.

Các đột phá phát triển được đề cập bao gồm tạo đột phá trong cải cách hành chính, trong phát triển nguồn nhân lực gắn với nghiên cứu, ứng dụng khoa học- công nghệ, tăng cường đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn nhất của cả nước; là đô thị thông minh, thân thiện với môi trường, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; phấn đấu trở thành một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu châu Á với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Các hoạt động kinh tế- xã hội và quản trị của chính quyền vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh với các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

Môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ, là địa phương đi đầu trong việc thực hiện mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về mức “0” của Việt Nam vào năm 2050.

Quốc phòng, anh ninh, chủ quyền biển, đảo được giữ vững, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và cuộc sống bình yên của nhân dân; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế- xã hội với bảo đảm an ninh, quốc phòng.

Trước đó, ngày 27/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 298 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch nhằm đưa Khu kinh tế Vân Phong trở thành trung tâm kinh tế năng động, thông minh, có sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo an ninh quốc phòng, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng.

V.H