Tập trung nhiệm vụ thu ngân sách, giảm dần nợ cũ.

Trình bày báo cáo tổng hợp thẩm tra chung về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm; nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách của HĐND TP. Hà Nội Hồ Vân Nga cho biết, mặc dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức và có những việc khó khăn đột xuất, UBND TP. Hà Nội đã quyết tâm cao, triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, đạt kết quả tích cực, tạo sự chuyển biến khá toàn diện.

Các Ban thống nhất với 10 nhóm hạn chế, yếu kém trong phát triển kinh tế - xã hội và 3 nhóm nội dung tồn tại, hạn chế trong thu chi ngân sách được UBND TP nêu. Đồng thời nhấn mạnh một số hạn chế sau: Mặc dù tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm khá song chưa đạt mục tiêu; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu thấp; mức độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp, dịch vụ giảm so với cùng kỳ.

Tuy, chỉ số xếp hạng PCI chung của TP tăng hạng nhưng một số chỉ số thành phần vẫn trong nhóm xếp hạng cuối cả nước và một số chỉ số giảm điểm.

Việc hoàn thành quy hoạch phân khu còn chậm. Kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Tiến độ thực hiện một số dự án phát triển nguồn, dự án phát triển mạng cấp nước, dự án xây dựng trạm xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp đang hoạt động còn chậm. Vẫn còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại một số khu đô thị, khu chung cư; chất lượng nước sạch tại một số khu vực chưa đảm bảo…

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự kỳ họp

Các ban HĐND thống nhất với dự báo tình hình và những nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2019 như báo cáo UBND trình. Ngoài các nội dung đã được UBND TP nêu, các Ban đề nghị UBND TP cần có các giải pháp mạnh mẽ và khả thi cao hơn để hoàn thành các nhiệm vụ.

Trong đó, tiếp tục thực hiện hiệu quả, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của HĐND TP, trọng tâm vẫn là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ rào cản hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo mọi thuận lợi để thúc đẩy phát triển, tìm động lực tăng trưởng mới của TP.

Các Ban cũng đề nghị TP tập trung nhiệm vụ thu ngân sách, nhất là các khoản thu có tỉ trọng lớn trong dự toán thu; thực hiện đồng bộ các giải pháp thu hồi các khoản nợ đọng ngân sách, giảm dần nợ cũ.

Có các biện pháp cụ thể, quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung vào các nội dung của công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán.

Hà Nội vay lại 2.300 tỉ đồng vốn vay của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội cho rằng: Hà Nội là địa phương tự chủ ngân sách, theo quy định của Luật ngân sách, Luật tài sản công, địa phương nào được hưởng thụ công trình được đầu tư bằng vốn vay ODA thì địa phương đó có trách nhiệm trả nợ ODA.

Ông Quyền cho hay trên cơ sở xác định thời điểm nhận nợ là thời điểm Bộ GTVT tái bàn giao dự án cho Hà Nội và dự án chính thức đi vào hoạt động.

Vì thế các khoản vay để chi phí vận hành dự án sẽ được bàn giao lại cho Hà Nội để thành phố có trách nhiệm trả nợ cho ngân sách trung ương.

Trong dự trù kinh phí năm 2019, TP Hà Nội đã chủ động cân đối để đảm bảo trả nợ cân đối nguồn kinh phí này. Theo đó, Hà Nội sẽ vay lại 2.300 tỉ đồng phần kinh phí vận hành thuộc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Việc vay lại hơn 2.300 tỉ đồng này, được chia làm 3 khoản vay. Khoản thấp nhất gần 10 triệu USD, 2 khoản khác mỗi khoản hơn 41 triệu USD và 47 triệu USD. Hà Nội sẽ phải trả nợ cho ngân sách trung ương với lãi suất 4%/năm. Dự kiến khoản vay cuối cùng sẽ được trả xong vào tháng 7-2032.

leftcenterrightdel
 Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Giám đốc Sở KH-ĐT Hà Nội

Về phương án vay lại dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông, bà Hồ Vân Nga cho hay việc TP thực hiện vay lại phần vốn vay nước ngoài của dự án đã được Chính phủ chỉ đạo và được xác định trong phương án tài chính của dự án.

"Phương án vay lại này được HĐND TP quyết nghị là căn cứ để cân đối nguồn lực và kế hoạch trả nợ của TP theo quy định của Luật Quản lý nợ công. Khoản vay lại không làm vượt hạn mức dư nợ hàng năm của TP và không tính vào bội chi ngân sách địa phương. Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất với chủ trương thực hiện vay lại vốn vay nước ngoài theo chỉ đạo của Chính phủ như UBND TP trình", bà Nga nhấn mạnh.

Về việc đưa dự án Tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương (vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài, trong điều kiện cân đối các nguồn lực của TP hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn ODA cho dự án không vượt quá hạn mức vay nợ của TP; khả năng cân đối ngân sách TP để đáp ứng nhu cầu vốn đối ứng cho dự án phù hợp với dự kiến Kế hoạch tài chính trung hạn của TP giai đoạn 2021-2025.

Theo bà Hồ Thị Vân Nga: Nội dung trình và ý kiến của HĐND TP là bước pháp lý ban đầu đáp ứng yêu cầu về hồ sơ trước khi Chính phủ trình Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án. Ban Kinh tế - Ngân sách thống nhất về việc cần sớm triển khai dự án và đề nghị HĐND TP chấp thuận việc triển khai dự án từ nguồn vốn vay của chính quyền địa phương  về việc sử dụng từ nguồn vay ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông được phê duyệt từ năm 2008 do Bộ GTVT làm chủ đầu tư. Tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 8.700 tỉ đồng, nhưng đến nay đã đội vốn lên trên 18.000 tỉ đồng. Trong đó, vốn vay Trung Quốc trên 13.800 tỉ đồng, vốn đối ứng của Việt Nam hơn 4.000 tỉ đồng.

Đến tháng 12/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn chỉ đạo giao Bộ GT-VT phối hợp với  Hà Nội xây dựng phương án bàn giao, tiếp nhận trách nhiệm chủ đầu tư cho UBND thành phố Hà Nội. Theo đó Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (thuộc UBND thành phố Hà Nội) sẽ tiếp nhận khoản vay và bố trí vốn trả nợ vay lại từ năm 2018.

Đến tháng 11/ 2018, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh có ý kiến chỉ đạo UBND TP Hà Nội có trách nhiệm nhận nợ vay lại trực tiếp đối với phần vốn vay lại của dự án, ngân sách địa phương phải chịu trách nhiệm trả nợ ngân sách trung ương.Có các biện pháp cụ thể, quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, tập trung vào các nội dung của công tác chuẩn bị thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán.

 

 

Hà Nhân