|
|
Thủ tướng cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, thu NSNN, phát triển DN đều đạt |
Đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đi vào chiều sâu
Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, thu NSNN, phát triển DN đều đạt, lĩnh vực văn hóa- xã hội được chú trọng, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm ước đạt 6,76%, tuy thấp hơn mức tăng của 6 tháng đầu năm 2018 nhưng cao hơn mức tăng của 6 tháng các năm từ 2011-2017, trong bối cảnh 70% các nền kinh tế trên thế giới, trong đó hầu hết các nền kinh tế phát triển đều rơi vào tình trạng tăng trưởng chậm lại.
Đặc biệt, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đi vào chiều sâu góp phần tạo niềm tin trong xã hội.
Còn theo báo cáo của Bộ kế hoạch & Đầu tư, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2019 giảm 0,09% so với tháng trước và CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 2,64% so với bình quân cùng kỳ năm 2018. Lạm phát cơ bản tháng 6/2019 tăng 0,16% so với tháng trước.
Giải ngân vốn FDI 6 tháng đầu năm ước đạt 9,1 tỷ USD, tăng gần 8% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, lượng khách quốc tế đến nước ta đều tăng.
Số liệu cập nhật ngày 2/7/2019 của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu đạt 122,4 tỷ USD, nhập khẩu 120,8 tỷ USD, xuất siêu 1,6 tỷ USD.
Ngoài ra, 6 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 67.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 3,8% về số doanh nghiệp và tăng 32,5% về số vốn đăng ký. Có 21.617 doanh nghiệp doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 31,4% so với cùng kỳ năm 2018…
|
|
Thủ tướng mong muốn các tư lệnh ngành, đứng đầu các địa phương tập trung hơn vào những tồn tại yếu kém, cùng bàn để đưa ra đối sách, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài |
Cần tập trung xử lý những tồn tại kéo dài
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề như: tình hình sản xuất của một số ngành còn khó khăn, nhất là các DN nhỏ và vừa, việc cắt giảm thủ tục đăng ký kinh doanh còn chưa thực chất, kiểm tra chuyên ngành ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân. Đặc biệt là tình trạng gian lận thi cử, bạo lực học đường, vấn đề xâm hại trẻ em, tội phạm về buôn bán ma túy…
Đáng chú ý, ngành nông nghiệp gặp khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi lây lan trên diện rộng nên chỉ tăng 1,3%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,07% của 6 tháng năm 2018, đóng góp 0,17 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Người đứng đầu Chính phủ cũng cho rằng, trong lúc tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường, những biến động này làm ảnh hưởng tất cả các nước.
Về trong nước, tình hình giao thông, hạ tầng chậm tiến độ đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế, thị trường BĐS nhiều tại một số thành phố lớn bị chững, đầu tư công chưa được cải thiện, giải ngân vốn ODA thấp ở mức báo động…
Do đó, Thủ tướng mong muốn các tư lệnh ngành, đứng đầu các địa phương tập trung hơn vào những tồn tại yếu kém, cùng bàn để đưa ra đối sách, kiên quyết không để vướng mắc kéo dài ảnh hưởng đến các mục tiêu đề ra.
Ông cũng nhấn mạnh về tinh thần thái độ làm việc của công chức, viên chức có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn một bộ phận nhũng nhiễu, bê chễ công việc, kể cả lãnh đạo. “Cần chấn chỉnh ngay, không để xảy ra vi phạm làm mất cán bộ”- Thủ tướng nói
Bên cạnh đó, còn tồn tại các vấn đề như: quy hoạch vùng, đấu gía tài sản công, khai thác trái phép cát, sỏi…
Đồng thời, cần xử lý những tồn tại kéo dài như: vấn đề quy hoạch, Nghị định về BT, vấn đề sân golf, vấn đề tự chủ, 1 số công trình có chủ trương nhưng vẫn giậm chân tại chỗ, đặc biệt là giải ngân chậm, nguyên nhân gì, hay do thể chế pháp luật chưa nghiêm…
Để hoàn thành nhiệm vụ những tháng cuối năm, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu QH đã giao, Thủ tướng nhấn mạnh: Tinh thần là không được chủ quan, trên tinh thần phân cấp mạnh mẽ, người đứng đầu linh hoạt hơn trong chỉ đạo điều hành…