Ngày 19/10, tại Đà Nẵng, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ Xây dựng phối hợp với Cục Bổ trợ tư pháp – Bộ Tư pháp tổ chức “Hội nghị thảo luận giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng”.
Báo cáo về thực trạng về giám định tư pháp xây dựng và Quy trình chuẩn về giám định tư pháp xây dựng trong thời gian qua, ông Phạm Tiến Văn, Phó Cục trưởng Giám Cục giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng – Bộ Xây dựng cho biết, trước năm 2010, trong lĩnh vực xây dựng chưa có các văn bản pháp luật hướng dẫn riêng cho công tác giám định tư pháp về xây dựng, như quy định năng lực các tổ chức chuyên môn giám định, chi phí giám định, tiếp nhận trưng cầu và thực hiện giám định, nên hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng không thống nhất và có nhiều vướng mắc.
|
|
Hội nghị thảo luận giải pháp tháo gỡ những vướng mắc trong giám định tư pháp xây dựng |
“Trước tình hình đó, để giải quyết, tháo gỡ được các tồn tại trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 04/2014/TT-BXD hướng dẫn một số nội dung tạo điều kiện thuận lợi cho công tác lựa chọn, trưng cầu của cơ quan tiến hành tố tụng và nâng cao chất lượng công tác giám định trong hoạt động đầu tư xây dựng”, ông Tiến chia sẻ.
Ông Phạm Văn Tiến cũng cho biết thêm, hiện nay, để phục vụ cho hoạt động xây dựng có gần 500 tiêu chuẩn và 18 quy chuẩn kỹ thuật. Các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn cơ bản đáp ứng được nhu cầu thực tế hoạt động xây dựng nói chung và hoạt động giám định tư pháp xây dựng.
Về số lượng tổ chức giám định tư pháp xây dựng, theo thống kê, cả nước có 45/63 tỉnh thành công bố tổ chức giám định tư pháp xây dựng. Sau khi Thông tư số 04/2014/TT-BXD có hiệu lực thi hành, trên cả nước có thêm 37 tổ chức được công bố là tổ chức giám định tư pháp xây dựng, nâng tổng số tổ chức giám định tư pháp xây dựng lên thành 70 tổ chức.
Về hoạt động giám định tư pháp, từ năm 2010 đến nay, trên cả nước, có khoảng 300 vụ việc được trưng cầu giám định tư pháp xây dựng, tập trung chủ yếu tại các thành phố lớn.
“Ngoài việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp, Bộ Xây dựng còn tham gia thực hiện giám định tư pháp sự cố sập cầu Cần Thơ năm 2007, sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà theo Quyết định trưng cầu giám định của Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Bộ Công an.
Hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng đã có những chuyển biến tích cực như thể chế về giám định tư pháp xây dựng đã cơ bản được hoàn thiện thông qua việc ban hành thông tư quy định về quy chuẩn chuyên môn, điều kiện năng lực của cá nhân, tổ chức chuyên môn giám định tư pháp, nguồn nhân lực thực hiện giám định tư pháp đã được tăng lên về số lượng, chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tế...
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động giám định tư pháp vẫn còn nổi lên có những khó khăn, hạn chế. Công tác thẩm định, phê duyệt dự toán và thanh toán chi phí giám định tư pháp còn nhiều vướng mắc. Cụ thể là đối với những vụ việc lớn, có giá trị thực hiện lên tới hàng tỷ đồng (sự cố sập cầu Cần Thơ, sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà...), nguồn kinh phí cho giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng chưa được cơ quan trưng cầu phân bổ hợp lý, dẫn đến việc chậm thanh toán chí phí cho các cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp.
Nhận thức của tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng còn nhiều hạn chế, còn tư tưởng ngại va chạm do các vụ việc giám định tư pháp chủ yếu phục vụ giải quyết tranh chấp. Cơ chế phối hợp giải quyết kết luận giám định tư pháp trong các vụ án gây khó khăn cho hoạt động điều tra. Các vụ việc liên quan đến giám định tư pháp thường có thời gian kéo dài, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp xây dựng.
|
|
Các chuyên gia tham gia thảo luận kinh nghiệm và giải pháp trong hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng tại hội nghị |
Một số cơ quan tiến hành tố tụng (Tòa án, cơ quan cảnh sát điều tra) chưa quan tâm đến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động giám định tư pháp, dẫn đến việc trưng cầu tổ chức giám định tư pháp xây dựng không đủ năng lực, không có chức năng thực hiện giám định hoặc trưng cầu không đúng đối tượng giám định…
Tại hội thảo, Đại diện Cục Bổ trợ tư pháp - Bộ Tư pháp cũng đã phân tích các quy định pháp luật liên quan đến công tác trưng cầu giám định, chi phí, tiền bồi dưỡng giám định, sử dụng kết luận giám định, tham dự phiên toà và một số nội dung liên quan.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tham gia thảo luận kinh nghiệm và giải pháp tháo gỡ trong lựa chọn chưng cầu, thậm định, phê duyệt dự toán, thanh toán chi phí giám định, sử dụng kết quả giám định. Qua đó, đưa ra các giải đáp về những khó khăn vướng mắc trong giám định tư pháp. Đồng thời đưa ra một số giải pháp khắc phục vướng mắc trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng…
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn có hiệu quả Luật giám định tư pháp 20112, tập huấn cho các đối tượng liên quan thực hiện; xây dựng các giáo trình và tổ chức đào tạo nghiệp vụ sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng.
Thứ hai, chú trọng xây dựng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Xây dựng, các cơ sở ở các địa phương (viện nghiên cứu, Trung tâm Kiểm định xây dựng) làm nòng cốt để thực hiện giám định tư pháp xây dựng. Đưa các Trung tâm Kiểm định xây dựng trực thuộc các Sở Xây dựng thành Chi cục Giám định xây dựng để mở rộng phạm vi, quyền hạn, từ đó nâng cao năng lực của tổ chức này.
Thứ ba, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp xây dựng. Đặc biệt chú trọng vào công tác lập dự toán, thẩm định, phê duyệt, thanh toán, quyết toán; trình tự, thủ tục thanh toán, quyết toán bảo đảm thuận tiện, kịp thời; có chính sách bảo đảm khuyến khích, thu hút được sự nhiệt tình tham gia của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng.
Thứ tư, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng trong công tác giám định tư pháp, trong đó nhấn mạnh tính xuyên suốt, toàn diện thực hiện thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tháo gỡ những vướng mắc, nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác giám định tư pháp…
Lê Tâm