leftcenterrightdel
 Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM Tất Thành Cang cho rằng cần xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt

Gắn liền với liên kết quy hoạch phát triển kinh tế của vùng, Vùng thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ xác định theo Quyết định số 2076/QĐ-TTg ngày 27/7/2017 “ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”. Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực thực hiện 07 Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ thành phố như Tập trung giải quyết các vấn đề ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, giảm ngập nước, chỉnh trang và phát triển đô thị… để từng bước nâng cao đời sống của người dân. Theo đó, việc định hướng, phát triển không gian đô thị, quy hoạch, phát triển kinh tế, văn hoá…của thành phố Hồ Chí Minh buộc phải có những thay đổi và điều chỉnh mang tính chiến lược và đột phá. Hơn lúc nào hết, vai trò của chính quyền thành phố, các sở ban ngành là đặc biệt quan trọng và cần lắm sự kiến tạo, góp ý xây dựng của các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách, kiến trúc sư…

Phó Bí thư thường trực Tất Thành Cang cho rằng trong thời gian qua, không phủ nhận, thành phố Hồ Chí Minh đã có những bước chuyển mình, diện mạo thành phố được cải thiện, mang dáng dấp của một đô thị hiện đại, phát triển bền vững.

leftcenterrightdel
 Hội thảo khoa học "Quản lý đô thị trên địa bàn TP.HCM, thực trạng và giải pháp" 

Tuy nhiên, công tác quản lý đô thị, công tác quản lý quy hoạch vẫn còn nhiều hạn chế như: quy hoạch nhiều nhưng thiếu liên kết do chưa có quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch cấp vùng; quy hoạch các ngành hạ tầng còn manh mún, thiếu tính đồng bộ; quy hoạch các ngành kinh tế, ngành sản xuất hàng hóa và dịch vụ không phù hợp vì chất lượng thấp, cứng nhắc, kém tính khả thi; quy hoạch thường xuyên bị điều chỉnh theo yêu cầu phát triển kinh tế - văn hoá – xã hội; một số đồ án quy hoạch xây dựng có chất lượng thấp, tính khả thi không cao, chưa mang tính chiến lược lâu dài và chưa đóng vai trò dẫn dắt; cán bộ làm công tác quy hoạch còn hạn chế về nhận thức, chuyên môn, năng lực.

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư và từng bước cải thiện nhưng thiếu đồng bộ giữa các lĩnh vực, không phát triển kịp và chưa đáp ứng yêu cầu với tăng kinh tế, tăng quy mô dân số đối với một thành phố lớn, kết cấu hạ tầng chưa phát huy được thế mạnh đặc thù và chưa thực sự đột phá.

Nhu cầu về vốn đầu tư dành phát triển hạ tầng so với khả năng cân đối ngân sách thành phố đang trở thành vấn đề nóng. Hàng năm, nguồn vốn ngân sách dành phát triển hạ tầng chỉ đáp ứng khoảng 22%/tổng nhu cầu vốn.

Vấn đề quản lý đô thị là vấn đề lớn mang tính sống còn đối với một thành phố, do đó vấn đề đặt ra là quản lý quy hoạch đô thị, quản lý đô thị và phát triển đô thị là vấn đề cấp thiết đối với một thành phố đã và đang trong tình trạng phát triển “nóng”. Vấn đề cần làm ngay là nâng cao công tác quản lý đô thị của thành phố, gắn phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội bền vững với những chiến lược mang tính đột phá để xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình và sớm trở thành một trong những trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực Đông Nam Á, Phó bí thư Tất Thành Cang nhấn mạnh.

GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương đồng ý với quan điểm thành phố nên mở rộng không gian đô thị. Tuy nhiên, thành phố cũng cần đổi mới và xây dựng mô hình quản lý kết nối tương tác giữa các sở, ngành với quận, huyện. Hệ thống giao thông phát triển đồng bộ; đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề, xây dựng nếp sống thị dân. Để thực hiện các định hướng giải pháp này, lãnh đạo thành phố cần phải đổi mới mạnh mẽ tư duy về quản lý đô thị, giải quyết mối quan hệ Trung ương, vùng và thành phố.

Ghi nhận những đóng góp của các chuyên gia, GS,TS Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đưa ra các giải pháp định hướng: Thành phố muốn phát triển bền vững cần việc đầu tiên là phải có quy hoạch trung tâm và quy hoạch khu vực vệ tinh; quy hoạch cần phải gắn chặt với vấn đề giao thông. Bên cạnh đó, cần làm rõ chức năng kinh tế và cơ cấu kinh tế của thành phố. Suốt 43 năm qua, thành phố là địa phương có tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 5% xuống còn 0,8% trong giai đoạn hiện nay; trong khi đó dịch vụ chiếm 62% và công nghiệp khoảng 37%. Trong thời điểm hiện nay, cơ cấu kinh tế nêu trên có còn phù hợp? Nếu chuyển dịch thì chuyển theo hướng nào?

Theo GS,TS. Nguyễn Thiện Nhân, giải quyết mâu thuẫn của bài toán dân số tăng nhanh trong khi hạ tầng kỹ thuật của thành phố không đáp ứng được cũng là yêu cầu cấp bách của lãnh đạo thành phố. Tính bình quân 15 năm trở lại đây, cứ 5 năm, dân số thành phố tăng thêm một triệu người. Theo tốc độ này, tới năm 2035 dân số thường xuyên của thành phố khoảng 13,5 triệu, chưa kể dân vãng lai. Với số dân tăng nhanh, hạ tầng không thể đáp ứng được, cần có cơ chế phối hợp vùng để giúp các vùng phát triển nhanh hơn, thu nhập cao hơn, qua đó làm giảm áp lực dân số đối với TP Hồ Chí Minh. Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh: Một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển đô thị TP Hồ Chí Minh, đó là: mô hình quản lý hành chính. Hiện nay có sự chênh lệch đáng kể về dân số và diện tích giữa các quận, huyện trên địa bàn thành phố. Nếu so sánh về diện tích, giữa huyện Cần Giờ và một số quận nội thành chênh nhau tới 140 lần, trong khi dân số huyện Cần Giờ ít hơn các quận kia 8,7 lần. Điều này cho thấy, sự phân hóa rất lớn. Tính riêng hai huyện Củ Chi và Cần Giờ chiếm khoảng 54% diện tích của thành phố song dân số chỉ chiếm 10%. Do vậy, trong thời gian tới, thành phố sẽ nghiên cứu xác định lại cơ cấu quận, huyện như thế nào để bảo đảm vận hành đô thị lớn hợp lý hơn.

Phát biểu kết luận Hội thảo, GS.TS Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Vấn đề quản lý đô thị là vấn đề đặt biệt quan trọng, phát triển và phát huy sức mạnh của các đô thị, nhất là đô thị đầu tàu. Hiện nay, việc di cư từ nông thôn về đô thị diễn ra nhanh. Do đó, sức ép đô thị, dịch vụ đô thị tăng lên rất lớn, khiến quá tải. Vì thế, xây dựng đô thị an toàn, phát triển bền vững là câu chuyện chung của cả thế giới. TP.HCM cần tiếp tục đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng quy hoạch và thực hiện quy hoạch. Quy hoạch không gian kiến trúc phải gắn với không gian kiến trúc của vùng. Cần cố gắng đổi mới và xây dựng mô hình quản lý kết nối tương tác giữa các sở, ngành với quận, huyện. Hệ thống giao thông phát triển đồng bộ; có giải pháp đổi mới cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề, xây dựng nếp sống của người dân đô thị.

Cũng theo GS,TS. Phùng Hữu Phú, để thực hiện các định hướng giải pháp, phải đổi mới mạnh mẽ tư duy vể quản lý đô thị, giải quyết mối quan hệ Trung ương, vùng và TP.Hồ Chí Minh, đặc biệt đặt trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có giải pháp về đô thị không gian kiến trúc, không gian kinh tế, không gian văn hóa.

                                                                                                                                                                                                      Hoa Việt