Không có căn cứ xác định giao dịch giả tạo

Theo Đơn kháng cáo của bà Đinh Thị Hồng Bản (trú thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), năm 2011, bà có mượn của bà Võ Thị Ngọc Trang (trú cùng địa phương) nhiều lần, tổng cộng 370 triệu đồng để cho người khác mượn lại (bà Loan). Vì bà Loan không trả nên năm 2012, bà đã khởi kiện bà Loan ra Tòa, Tòa án đã giải quyết buộc bà Loan phải trả cho bà cả vốn và lãi là hơn 409 triệu đồng. Bản án có hiệu lực, nhưng bà Loan chỉ thi hành được 175 triệu đồng, số tiền còn lại hơn 234 triệu đồng mất khả năng trả. Mặc dù vậy, tính đến ngày 1/7/2013, bà Bản cũng đã trả cả vốn và lãi cho bà Trang số tiền 301 triệu đồng, còn nợ 287 triệu đồng. Ngày 1/7/2013, bà Bản ký lại giấy vay tiền cho bà Trang với số tiền vay là 287 triệu đồng, thời hạn vay 01 năm. Năm 2015, bà Trang khởi kiện bà Bản ra Tòa, Tòa án đã buộc bà Bản phải trả cho bà Trang cả vốn và lãi 327 triệu đồng. Tuy nhiên, bà Bản cam kết khi bà Loan trả hết số tiền còn nợ, sẽ trả đủ cho bà Trang. 

leftcenterrightdel
Bản án sơ  thẩm của Tòa án và Quyết định kháng nghị phúc thẩm của Viện kiểm sát.  

Trước đó, ngày 29/10/2013, vợ chồng bà Bản làm thủ tục tặng cho toàn bộ quyền sử dụng đất (QSDĐ) 2 thửa đất (số 417A, tờ bản đồ số 25, diện tích 82m2; số 417E, tờ bản đồ số 25, diện tích 70m2) tọa lạc tại khối Liêm Bình, thị trấn Bồng Sơn cho 2 con gái là Phạm Đinh Nhật Mỹ Ngân và Phạm Đinh Nhật Ngân. Cả 2 hợp đồng tặng cho đều được Văn phòng Công chứng (VPCC) huyện Hoài Nhơn chứng thực, theo Hợp đồng tặng cho QSDĐ số 962 và số 964, quyển số 1 TP/CC-SCC/HĐGD ngày 17/12/2013. Tại thời điểm tặng cho, tài sản là QSDĐ không có tranh chấp, bà Trang cũng chưa gửi đơn khởi kiện bà Bản ra Tòa. Như vậy, việc vợ chồng bà Bản lập hợp đồng tặng QSDĐ cho các con không trái pháp luật và không trái với đạo đức xã hội. “Hơn nữa, đây là tài sản của vợ chồng tôi tạo lập, không có liên quan gì đến nguồn tiền vay mượn của bà Trang, tôi cũng không sử dụng tài sản này để thế chấp khi vay tiền của bà Trang, số tiền tôi vay của bà Trang chỉ là vay dùm cho bà Loan” - bà Bản cho biết. 

Tuy nhiên, tại Bản án sơ thẩm số 02/2019/DS-ST ngày 3/1/2019, TAND huyện Hoài Nhơn cho rằng, hợp đồng tặng cho QSDĐ đối với thửa đất số 417E cho Phạm Đinh Nhật Ngân được xác lập là “giao dịch dân sự một cách giả tạo, nhằm tẩu tán tài sản, để bà Bản trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho bà Trang”. Từ nhận định đó, TAND huyện Hoài Nhơn tuyên: “Vô hiệu Hợp đồng tặng cho QSDĐ số 964 quyển số 01 TP/CC-SCC/HĐGĐ ngày 29/10/2013 có chứng thực của VPCC huyện Hoài Nhơn giữa vợ chồng ông Phạm Văn An, bà Đinh Thị Hồng Bản và chị Phạm Thị Nhật Ngân, đối với phần tài sản của bà Đinh Thị Hồng Bản tặng cho chị Ngân là ½ quyền sử dụng thửa đất số 417E nói trên. Giao toàn bộ quyền sử dụng thửa đất số 417E, tờ bản đồ số 25, diện tích 70m2 đất ở tại khối Liêm Bình, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho bà Đinh Thị Hồng Bản và chị Phạm Đinh Nhật Ngân chung quyền sử dụng”.

Viện kiểm sát kháng nghị phúc thẩm

Không đồng ý với phán quyết của bản án sơ thẩm, bà Bản và chị Ngân đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ngày 17/1/2019, Viện trưởng VKSND huyện Hoài Nhơn cũng ban hành Quyết định kháng nghị phúc thẩm số 50/QĐKNPT-VKS-DS đối với Bản án dân sự sơ thẩm số 02/2019/DS-ST ngày 3/1/2019 của TAND huyện Hoài Nhơn. Theo Viện kiểm sát, Tòa án sơ thẩm đã xác định quan hệ pháp luật: “Tranh chấp yêu cầu tuyên bố hợp đồng tặng cho QSDĐ công chứng vô hiệu” là chưa đúng theo yêu cầu của nguyên đơn và bản chất của vụ án. Do đó, cần phải xác định quan hệ pháp luật chính xác là: “Tranh chấp về yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho tài sản liên quan đến việc công chứng”. Về mặt nội dung và hình thức hợp đồng tặng cho, VKSND Hoài Nhơn cho rằng, Hợp đồng tặng cho QSSĐ giữa các bên đối với thửa đất số 417E, được VPCC huyện Hoài Nhơn công chứng là đúng quy định pháp luật. “Tại thời điểm tặng cho thì thửa đất không bị tranh chấp, không bị kê biên, không bị cấm chuyển nhượng theo quy định pháp luật; sau khi tặng cho thì chị Ngân đã đăng ký chuyển quyền sử dụng. Hơn nữa, bên cho vay không yêu cầu bên vay thế chấp QSDĐ và việc tặng cho đã hoàn thành theo quy định của Luật Đất đai, trước khi có Bản án số 71/2015/DS-ST buộc bà Đinh Thị Hồng Bản phải trả nợ cho bà Võ Thị Ngọc Trang số tiền 327 triệu đồng. Vì vậy, căn cứ Điều 6 TTLT số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, TAND tối cao và VKSND tối cao thì hợp đồng tặng cho nêu trên không bị vô hiệu” – VKSND huyện Hoài Nhơn viện dẫn.

Từ sự phân tích trên, Viện trưởng VKSND huyện Hoài Nhơn, đề nghị TAND tỉnh Bình Định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm: Bác toàn bộ đơn kiện của bà Võ Thị Ngọc Trang.

Trao đổi với Phóng viên, Luật sư Bùi Phú Tuyên (Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, quan điểm kháng nghị của VKSND huyện Hoài Nhơn là có căn cứ pháp luật. Bởi hợp đồng tặng cho QSDĐ của vợ chồng bà Bản đối với thửa đất số 417E cho Phạm Đinh Nhật Ngân không thỏa mãn các điều kiện về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, được quy định tại Điều 127 Bộ luật Dân sự 2015. “Theo đó, không có căn cứ để TAND huyện Hoài Nhơn tuyên vô hiệu Hợp đồng tặng cho QSDĐ số 964 quyển số 01 TP/CC-SCC/HĐGĐ ngày 29/10/2013 có chứng thực của VPCC huyện Hoài Nhơn, vì lý do Hợp đồng được xác lập là “giao dịch dân sự một cách giả tạo, nhằm tẩu tán tài sản, để bà Bản trốn tránh nghĩa vụ trả nợ cho bà Trang” – Luật sư Tuyên nêu quan điểm.

Nhóm P.V