leftcenterrightdel
Áp dụng tính lãi suất trái quy định pháp luật, VKSND huyện Giồng Riềng kháng nghị.

Theo đó, qua công tác kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án, VKSND huyện Giồng Riềng phát hiện tại Bản án số 53/2018/DS-ST ngày 02/11/2018 của TAND huyện Giồng Riềng có vi phạm trong việc áp dụng mức lãi suất 1.125%/tháng của hợp đồng vay tài sản để tính lãi đối với hợp đồng mua bán tài sản là trái quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của đương sự, VKSND huyện Giồng Riềng, đã ban hành kháng nghị đối với bản án nêu trên theo thủ tục phúc thẩm và được cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị.

Tại bản án sơ thẩm số 53/2018/DS-ST ngày 2/11/2018 của TAND huyện Giồng Riềng căn cứ vào: Khoản 3 Điều 26; khoản 1 Điều 35; khoản 1 Điều 39; Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự. Khoản 2, Điều 305 , Điều 428; Khoản 2, Điều 438 Bộ luật dân sự 2005. Khoản 2, Điều 26 của Nghị Quyết 326/2016/PL-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử, chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Thanh Hải, buộc bà Trần Thị Thạch và ông Nguyễn Văn Thâu phải trả cho ông Nguyễn Thanh Hải số tiền mua vật tư nông nghiệp còn thiếu 78 triệu đồng, và tiền lãi phát sinh 19 triệu đồng, tổng cộng hơn 97 triệu đồng. 

Sau khi kiểm sát bản án, VKSND huyện Giồng Riềng nhận thấy, bản án Tòa án xác định quan hệ tranh chấp là “tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản”. Nguyên đơn Nguyễn Thanh Hải yêu cầu Tòa án buộc bà Trần Thị Thạch, ông Nguyễn Văn Thâu trả lại số tiền là 78 triệu đồng do bà Thạch, ông Thâu mua phân bón, thuốc trừ sâu còn nợ. Ngoài ra, nguyên đơn còn yêu cầu tính lãi theo thỏa thuận là 3%/tháng từ ngày 15/02/2016 đến ngày xét xử. Trong quá trình giải quyết ông Hải thay đổi yêu cầu khởi kiện đối với phần lãi suất. Ông Hải chỉ yêu cầu tính lãi suất 1.125%/tháng từ ngày 15/02/2016 đến ngày xét xử.

Ngay từ khi thụ lý cũng như tuyên án, tòa án đều xác định đây là “tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” và áp dụng khoản 2 Điều 305, khoản 2 Điều 438 Bộ luật dân sự năm 2005 để giải quyết nhưng Tòa án lại xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông Hải, buộc bà Thạch, ông Thâu phải trả lãi suất là 1.125%/tháng, là vi phạm quy định của pháp luật tại khoản 2 Điều 438 quy định: “Bên mua phải trả lãi, kể từ ngày chậm trả theo quy định tại khoản 2 Điều 305 của bộ luật này”.

Trong khi đó, theo khoản 2 Điều 305 lại quy định: “Trong trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Theo Quyết định số: 2868 ngày 29/11/2010 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam là 9,0%/năm có nghĩa là mức lãi suất hàng tháng là 0.75%/tháng.

Theo quy định trên, thì Bản án chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông Hải, buộc ông Thâu, bà Thạch phải trả số tiền 78 triệu đồng, cộng với lãi suất 1.125%/tháng cho 22 tháng là 19 triệu đồng không đúng quy định pháp luật, làm thiệt hại quyền lợi của bị đơn ông Thâu, bà Thạch.

Tính lãi theo khoản 2 Điều 305 thì Tòa án chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Hải về yêu cầu tính lãi đối với bị đơn. Nên bị đơn ông Thâu, bà Thạch chỉ phải trả số tiền 78 triệu đồng, cộng với lãi suất 0.75%/tháng cho 22 tháng thì chỉ 12 triệu đồng. Tổng cộng vốn và lãi là 91 triệu đồng ít hơn 6 triệu đồng so với bản án đã tuyên.

Theo VKSND huyện Giồng Riềng, Tòa án áp dụng mức lãi suất 1.125%/tháng của hợp đồng vay tài sản để tính lãi đối với hợp đồng mua bán tài sản giữa ông Hải và Bà Thạch, ông Thâu là trái quy định của pháp luật.

Do đó, VKSND huyện Giồng Riềng đã ban hành kháng nghị đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm tính lãi suất với mức 0,75%/tháng theo khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự 2005 và áp dụng khoản 4 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án để buộc đương sự nộp theo quy định. Vụ việc được cấp phúc thẩm xét xử và chấp nhận toàn bộ nội dung kháng nghị./.

Trân Định - Thúy An