Như Báo Bảo vệ pháp luật đã phản ánh, vào lúc 10h30’ ngày 23/11/2019, tại công trình Thủy điện Đắk Mi 2, ở xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam) xảy ra vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm 2 người chết, 1 người bị thương.

Sau gần 2 tháng điều tra xác minh, ngày 16/1/2020, Cơ quan CSĐT Công an huyện Phước Sơn đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, với lý do người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội là nạn nhân đã chết trong vụ tai nạn (ông Nguyễn Lân).

Không đồng ý với quyết định này, người nhà nạn nhân Hoàng Văn Thanh và Nguyễn Lân đã liên tục có đơn khiếu nại, cho rằng có dấu hiệu sai lệch hồ sơ vụ việc, áp dụng pháp luật không đúng, bỏ lọt tội phạm.

leftcenterrightdel
 Thủy điện Đắk Mi 2 dự kiến phát điện trong quý III/2020 (Ảnh: hado.com.vn).

Sau khi nghiên cứu đơn thư, cũng như nghiên cứu hồ sơ, tài liệu liên quan, ngày 14/8/2020, Viện trưởng VKSND huyện Phước Sơn đã có quyết định giải quyết khiếu nại, chấp nhận đơn khiếu nại của công dân,  hủy bỏ quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Phước Sơn. Đồng thời yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an huyện Phước Sơn hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự đã ban hành để tiến hành điều tra, xác minh lại vụ tai nạn lao động tại công trình Thủy điện Đắk Mi 2.

Điều tra chưa đầy đủ, chưa đảm bảo căn cứ

Trong quyết định số 01/QĐ-VKS-KT ngày 14/8/2020, Viện trưởng VKSND huyện Phước Sơn đã chỉ ra những bất thường trong quá trình điều tra vụ tai nạn lao động này, cụ thể 4 điểm sau:

Cơ quan điều tra chưa giám định nguyên nhân gây tai nạn vỡ giếng đứng công trình Thủy điện Đắk Mi 2 làm ông Nguyễn Lân và Hoàng Văn Thanh tử vong là chưa đảm bảo.

Cơ quan điều tra chỉ dựa vào lời khai của lái xe máy đào Cao Văn Nhẫn để xác định ông Nguyễn Lân có biết việc đáy giếng bị tắc những không báo cáo với lãnh đạo Xí nghiệp Sông Đà 10.3 để có hướng chỉ đạo mà tự ý điều phương tiện vào làm việc dẫn đến vụ tai nạn làm 2 người chết thuộc trách nhiệm ông Nguyễn Lân là chưa đảm bảo đủ căn cứ.

leftcenterrightdel
 VKSND huyện Phước Sơn chỉ ra 4 điểm cần điều tra làm rõ.

Cơ quan điều tra cũng chưa điều tra, xác định rõ thời điểm xảy ra tai nạn có bao nhiêu lao động thi công công trình; việc Xí nghiệp Sông Đà 10.3 giao chuyên trách an toàn lao động cho ông Nguyễn Văn Bốn có đúng quy định không.

Cơ quan điều tra chưa tiến hành thu thập lịch kiểm tra an toàn lao động ngày 23/11/2019 tại công trình Thủy điện Đắk Mi 2, từ đó xác định trách nhiệm của ông Nguyễn Văn Bốn trong việc để xảy ra vụ tai nạn lao động.

Từ những căn cứ trên, Viện trưởng VKSND huyện Phước Sơn đã yêu cầu Cơ quan CSĐT Công an cùng cấp hủy bỏ quyết định không khởi tố vụ án hình sự đã ban hành để tiến hành điều tra, xác minh lại

Sau khi nhận thông báo của VKSND huyện Phước Sơn, ngày 26/8/2020, Công an huyện Phước Sơn đã có quyết định (số 01/ĐTTH) hủy quyết định số 01 ngày 16/01/2020 về việc không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ “Tai nạn chết người” tại tại Công trình thủy điện Đăk Mi 2, Phước Sơn, Quảng Nam ngày 23/11/2019.

Có đủ căn cứ khởi tố vụ án

Liên quan đến vụ việc này, trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, Luật sư Lê Anh Ngọc – Giám đốc điều hành Công ty Luật Nam Bình (Hà Nội) đã cho biết, việc Cơ quan CSĐT Công an huyện Phước Sơn ngày 16/1/2020 có quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với vụ tai nạn khiến 2 người chết, 1 người bị thương ở công trình Thủy điện Đắk Mi 2 là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

leftcenterrightdel
 Luật sư Lê Anh Ngọc cho rằng đủ căn cứ khởi tố vụ án về tội “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người”, quy định tại điều 295 Bộ Luật Hình Sự năm 2015.

Việc ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đó, xuất phát từ việc điều tra tai nạn lao động không khách quan, trái với quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015; điều tra không đảm bảo đúng trình tự, thủ tục theo quy định tại Nghị định số 39/20165/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động. Việc này VKSND huyện Phước Sơn đã chỉ ra và hủy bỏ quyết định không khởi tố và yêu cầu điều tra lại là đảm bảo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo pháp luật được thực thi công bằng, nghiêm minh” – Luật sư Lê Anh Ngọc cho biết.

Theo Luật sư Lê Anh Ngọc, trong vụ tai nạn lao động nghiêm trọng đó, có trách nhiệm của Chủ đầu tư, nhà thầu, Ban quản lý dự án, Tư vấn giám sát… đã không thực hiện đúng các quy định, quy trình, biện pháp an toàn, trang bị kỹ thuật.

leftcenterrightdel
 Biên bản điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động tỉnh Quảng Nam.

“Với hàng loạt sai phạm nêu trên thì Chủ đầu tư, nhà thầu phải… phải có trách nhiệm chính trong việc để xảy ra tai nạn lao động, chứ không thể đổ lỗi cho nạn nhân Nguyễn Lân. Ở đây, cần xác định rõ ông Nguyễn Lân chỉ là công nhân bình thường, làm việc đơn thuần theo chuyên môn không liên quan gì đến công tác an toàn, vệ sinh lao động, do đó ông Nguyễn Lân không thể là người được thực hiện các nhiệm vụ và trách nhiệm an toàn lao động trên công trình của dự án. Do đó việc đổ lỗi cho ông Nguyễn Lân là thiếu công bằng, khách quan” – Luật sư Lê Anh Ngọc phân tích.

Từ đó, Luật sư Lê Anh Ngọc cho rằng đủ cơ sở để khởi tố vụ án, xử lý hình sự đối với người có trách nhiệm là Đại diện pháp luật của Chủ đầu tư, nhà thầu, Trưởng Ban quản lý dự án, Trưởng tư vấn giám sát… về tội “Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người”, quy định tại điều 295 Bộ Luật Hình Sự năm 2015.

 

Mẫn Phong