Tham dự Hội nghị có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Trần Công Phàn, Nguyễn Huy Tiến, Nguyễn Duy Giảng, Nguyễn Hải Trâm; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; lãnh đạo, Kiểm sát viên cao cấp, Điều tra viên cao cấp, Kiểm tra viên cao cấp, trưởng Phòng Tham mưu tổng hợp các đơn vị thuộc VKSND tối cao.

Các đồng chí lãnh đạo Viện, lãnh đạo Văn phòng, lãnh đạo các Viện nghiệp vụ, Kiểm sát viên cao cấp các VKSND cấp cao; lãnh đạo Viện, lãnh đạo Văn phòng và phòng nghiệp vụ, công chức VKSND cấp tỉnh, cấp huyện...

leftcenterrightdel
Các đại biểu dự hội nghị. 

Báo cáo tóm tắt kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2020 của ngành KSND do đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trình bày tại hội nghị cho thấy, 6 tháng đầu năm 2020, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp; toàn Ngành đã thực hành quyền công tố, kiểm sát khởi tố mới 41.557 vụ án hình sự, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Trước những diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Quốc hội về các mặt công tác, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn Ngành thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều nhiệm vụ trong năm 2020.

Theo đó, Viện trưởng VKSND tối cao đã sớm ban hành Chỉ thị công tác năm 2020, xác định rõ 5 mục tiêu và 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, với phương châm thực hiện quyết liệt hơn trong năm 2020. Đồng thời, đã cụ thể hóa những nhiệm vụ trong Chỉ thị công tác năm thành 138 nhiệm vụ trong Kế hoạch công tác trọng tâm năm 2020 của VKSND tối cao; chủ động ban hành Kế hoạch số 37 để chỉ đạo, thực hiện Nghị quyết 96/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác tư pháp và những kiến nghị của Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 đối với VKSND.

Viện trưởng VKSND tối cao tiếp tục chỉ đạo quyết liệt nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm bảo đảm toàn Ngành thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của VKSND theo quy định của Hiến pháp, pháp luật. Cụ thể, ngoài Chỉ thị công tác năm 2020, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành 2 chỉ thị chuyên đề, 3 văn bản và chỉ đạo sửa đổi, bổ sung chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản... Trong đó, xác định rõ nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Ngành, là nhiệm vụ quan trọng nhất của các đơn vị nghiệp vụ.

leftcenterrightdel
 Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn phát biểu.
Đồng thời, yêu cầu toàn Ngành tích cực thực hiện quyền công tố, chủ động tiến hành các hoạt động điều tra theo quy định; thực hiện nghiêm thẩm quyền điều tra, nhất là cấp Trung ương; quản lý chặt chẽ các vụ án tạm đình chỉ; tăng cường các biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế; phối hợp chặt chẽ, kịp thời xử lý các vụ, việc khiếu kiện đông người, các “điểm nóng”, các vụ chống người thi hành công vụ, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm tổ chức thành công Đại hội đảng các cấp và thiết thực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Đẩy mạnh thực hiện “số hóa hồ sơ”; phối hợp tổ chức gần 2.500 phiên tòa để rút kinh nghiệm và thực hiện biện pháp khác nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Trong lĩnh vực hoạt động tư pháp, Cơ quan điều tra VKSND tối cao tập trung phát hiện, điều tra, xử lý hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi phạm tội, hành vi ra quyết định, bản án trái pháp luật, những vi phạm của Chấp hành viên trong lĩnh vực thi hành án dân sự,...

leftcenterrightdel
 Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến phát biểu.
VKSND tối cao tích cực phối hợp với các bộ, ngành hữu quan, các cơ quan của Quốc hội xây dựng một số dự án luật và văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành luật. Theo đó, đã tham gia tích cực và hiệu quả vào việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung của Luật giám định tư pháp (đã được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2020, bổ sung thêm nhiệm vụ giám định cho Cơ quan điều tra VKSND tối cao); hoàn thiện Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp hình sự; chủ trì xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch về quản lý vụ việc hình sự tạm đình chỉ, đình chỉ; phối hợp xây dựng, ban hành 6 thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện quy định của Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự...

Bên cạnh đó, trách nhiệm công tố được tăng cường, chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử án hình sự tiếp tục được nâng lên, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm. Viện kiểm sát các cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết 100% nguồn tin về tội phạm và việc điều tra vụ án hình sự.

leftcenterrightdel
Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng phát biểu. 

Tuy nhiên, theo đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao, bên cạnh những kết quả đạt được, 6 tháng qua vẫn còn những mặt còn tồn tại, hạn chế, thiếu sót cần phải có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Đồng tình với các nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 được nêu tại hội nghị, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, trong thời gian tới, để hoàn thành chất lượng, hiệu quả công việc thì thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng VKSND các cấp phải tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị. Tốt xấu cũng là do người đứng đầu, do đó người đứng đầu phải có phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành trên tinh thần “sâu sát, trực tiếp, khoa học, hợp lý và hiệu quả”.

leftcenterrightdel
 Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Trâm phát biểu.
Trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra được tăng cường và thể hiện rõ nét hơn, cụ thể: Đã ban hành hơn 38.000 bản yêu cầu điều tra, chiếm tỉ lệ 91,5% số vụ án mới khởi tố, tăng 5,9%; tham gia và trực tiếp hỏi cung gần 46.000 bị can, tăng 0,5%.

Tỉ lệ bắt, tạm giữ hình sự chuyển trả tự do chiếm tỉ lệ thấp (0,2%); tỉ lệ vụ án truy tố đúng thời hạn đạt 99,99%, đúng tội danh đạt 99,99%, vượt 9,99% và 4,99% so với chỉ tiêu của Quốc hội.

Chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự tiếp tục được nâng lên; đặc biệt, trong kỳ, không để xảy ra trường hợp Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội; tỉ lệ kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự được chấp nhận tăng 1,5%, vượt 1,9% so với chỉ tiêu của Quốc hội.

Tại hội nghị, Văn phòng VKSND tối cao đã báo cáo tổng hợp những biện pháp thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp trong 6 tháng đầu năm 2020. Hội nghị cũng nghe các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao giải đáp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao cơ bản đồng tình với nội dung báo cáo về những kết quả tích cực mà toàn ngành KSND đạt được trong 6 tháng đầu năm 2020. Đồng thời khẳng định, mặc dù trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 nhưng toàn Ngành đã nỗ lực, cố gắng trong công tác phòng chống dịch và thực hiện tốt các nhiệm vụ đã đề ra.

Bên cạnh đó, toàn Ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị công tác năm 2020 và các chương trình, kế hoạch công tác đã đề ra; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Quốc hội và của Ngành, trong đó có Nghị quyết số 96 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về công tác tư pháp.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị.  

Tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm; hoàn thành các nhiệm vụ và chuẩn bị chu đáo các điều kiện để tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Ngành. Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp; thực hiện nghiêm Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về tổ chức Đại hội đảng các cấp.

Mặt khác, các đơn vị, Viện kiểm sát cũng cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành. Các đơn vị cần tham mưu để có kế hoạch tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác giải quyết án kinh tế, tham nhũng, chức vụ, ma túy, kỹ năng điều tra; việc tuyển dụng đội ngũ cán bộ phải đảm bảo chất lượng, có thực tiễn, kinh nghiệm để đáp ứng được công việc.

Đối với công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cán bộ trong Ngành, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao cũng lưu ý đối với các đơn vị liên quan như Thanh tra VKSND tối cao, Vụ 12, Ủy ban kiểm tra Đảng ủy cần có sự phối hợp để giải quyết đúng quy định, đúng thẩm quyền, bảo đảm tính bảo mật trong quá trình giải quyết. Đồng thời, những cán bộ làm công tác thanh tra, giải quyết đơn khiếu nại tố cáo phải là những cán bộ công tâm, bản lĩnh, khách quan và trách nhiệm, có ý thức bảo vệ uy tín của cán bộ khi chưa có kết luận chính thức của cơ quan có thẩm quyền.

Liên quan đến những thắc mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao đề nghị bộ phận tham mưu cần rà soát, tổng hợp để các đồng chí Lãnh đạo VKSND tối cao phụ trách từng lĩnh vực trả lời, giải đáp.

Đắc Thái