leftcenterrightdel
Tổ ĐBQH đơn vị 4 tiếp xúc cử tri quận 5,10,11, TP HCM. 

Tại buổi tiếp xúc cử tri, ông Huỳnh Thành Đạt đại diện tổ ĐBQH đã báo cáo tóm tắt dự kiến nội dung kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, kỳ họp sẽ tiến hành làm 2 đợt: Đợt 1 Quốc hội họp trực tuyến, tại đây sẽ thảo luận 10 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết; Xem xét, thông qua 3 dự thảo Nghị quyết; Xem xét Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước (trong đó có nội dung phòng, chống dịch COVID-19); phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2018; Giám sát chuyên đề “việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.

Đợt 2: Quốc hội họp tập trung tại Nhà Quốc hội để xem xét, quyết định Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Thảo luận về các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến...

leftcenterrightdel
 Đồng chí Lê Minh Trí -  Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại TP HCM. Ảnh:tienphong

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến của cử tri xoay quanh các vấn đề về dịch bệnh COVID-19, về vấn đề bảo đảm trật tự an toàn giao thông, môi trường, phòng chống tham nhũng… Bên cạnh đó, cử tri đặc biệt quan tâm, nêu nhiều ý kiến về vụ án tử tù Hồ Duy Hải vừa qua đã được Viện trưởng VKSND tối cao ban hành quyết định kháng nghị.

Theo đó, cử tri Nguyễn Văn Sanh (phường 12, quận 5) nêu ý kiến về công tác giám sát của Quốc hội, nhiệm kỳ vừa qua hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tương đối tốt. Cử tri mong muốn Quốc hội tăng cường giám sát đối với các vụ án lớn, tác động sâu sắc đến dư luận xã hội.

leftcenterrightdel
 Cử tri nêu ý kiến tại Hội nghị.

Cử tri cho rằng, vừa qua, kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao đối với vụ án tử tù Hồ Duy Hải là rất đúng theo Hiến pháp và pháp luật. Tuy nhiên, kết quả xét xử lại chưa thuyết phục. Cử tri phường 1, quận 11 nêu ý kiến: Trong vụ án Hồ Duy Hải, cử tri tán thành với ý kiến của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lưu Bình Nhưỡng. Cử tri nhắc lại việc ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng dẫn điều luật về thẩm quyền của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao trong quyết định giám đốc thẩm. Trong đó, luật quy định Hội đồng thẩm phán có 6 quyền năng, nhưng không có quyền nói kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao là đúng hay sai.

leftcenterrightdel
 Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí tiếp xúc cử tri tại TP HCM.

Cử tri Mai Thanh Hà (phường 7, quận 5) nêu ý kiến: Không thể chấp nhận được quan điểm của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao cho rằng sai sót của Cơ quan điều tra là không làm thay đổi bản chất vụ án. Điều này rất nguy hiểm, là khởi nguyên của việc để xảy ra nhiều vụ án oan, sai, bỏ lọt tội phạm…

Một số cử tri khác nêu các vấn đề liên quan đến tình hình trật tự an toàn giao thông, giáo dục, xử phạt trong lĩnh vực giao thông…

Cử tri Nguyễn Văn Hòa (phường 11, quận 10) cho rằng học sinh bây giờ đạo đức xuống dốc, lễ nghĩa chưa chuẩn mực, cần có những biện pháp giáo dục theo phương châm “tiên học lễ, hậu học văn”.

Tình hình giao thông hiện nay rất phức tạp, tình trạng vượt đèn đỏ khi tham gia giao thông còn phổ biến. Đề nghị có những hình thức xử phạt mạnh để răn đe…

Một cử tri khác nêu ý kiến về việc xử phạt trong lĩnh vực giao thông quá nặng sẽ dễ dẫn đến tiêu cực, cần đặt tâm thế mình vào những người công nhân, nông dân và lao động nghèo.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị tiếp xúc cử tri tại TP HCM.

Phát biểu tại Hội nghị, thay mặt Tổ đại biểu Quốc hội, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của cử tri đã quan tâm đến nhiều vấn đề lớn của xã hội.

Viện trưởng VKSND tối cao thông tin, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng cơ bản mình đã kiểm soát được. Đây là điều đáng mừng, tuy nhiên không vì thế mà chủ quan. Tình hình dịch bệnh đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - xã hội. Thế nhưng, thông qua công tác phòng, chống dịch COVID-19 vừa qua Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trên thế giới, tạo được lòng tin tuyệt đối trong Nhân dân.

Về vấn đề xử phạt giao thông đường bộ, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng mục đích xử phạt nặng để răn đe. Qua ý kiến của cử tri, Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận và sẽ phản ánh đến cơ quan chức năng thẩm quyền.

Về vụ án Hồ Duy Hải mà nhiều cử tri quan tâm, Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết, về thẩm quyền, trong quá trình xem xét sự việc, thấy nhiều chứng cứ trong vụ án còn mâu thuẫn, chưa được xác minh làm rõ và căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự, khi có những dấu hiệu như thế là căn cứ để Viện trưởng VKSND tối cao kháng nghị xem xét lại vụ án.

"Viện kiểm sát kháng nghị không nói Hồ Duy Hải có tội hay không tội, nhưng thấy vụ án có nhiều sai sót về thủ tục tố tụng và chứng cứ chứng minh chưa chặt chẽ, còn mâu thuẫn, mâu thuẫn giữa hiện trường, lời khai... nên yêu cầu kháng nghị hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm để điều tra lại nhằm khẳng định có tội hay không một cách thận trọng, khách quan, bảo đảm bảo vệ được tính mạng con người khi chưa có một chứng cứ trực tiếp khẳng định có việc giết người hay không?", Viện trưởng Lê Minh Trí nêu.

Về mặt trách nhiệm và thẩm quyền, ông Lê Minh Trí khẳng định: Viện trưởng VKSND tối cao chắc chắn kháng nghị có căn cứ, đúng thẩm quyền và đúng pháp luật. Đến nay, Viện trưởng VKSND tối cao đã ký văn bản báo cáo cấp thẩm quyền để xem xét. "Viện trưởng kháng nghị là thực thi trách nhiệm với Nhân dân, thực thi pháp luật và Hiến pháp. Viện trưởng tin rằng đang làm đúng với trách nhiệm của mình", Viện trưởng Lê Minh Trí khẳng định.

Kết thúc buổi tiếp xúc cử tri, thay mặt tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 4, Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trân trọng tiếp thu ý kiến đóng góp của cử tri quận 5, 10, 11, TP Hồ Chí Minh. Đối với các vấn đề cử tri quan tâm, kiến nghị sẽ được tổ ĐBQH tổng hợp và truyền tải đến các ban, ngành chức năng có thẩm quyền./.

VKSND tối cao đề nghị 6 việc phải làm khi điều tra lại, nhằm tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm

Tham gia phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đại diện VKSND tối cao cho biết, căn cứ để Viện trưởng VKSND tối cao quyết định kháng nghị bản án là bởi trong hai bản án còn nhiều mâu thuẫn chưa được làm rõ: Thời gian xuất hiện của Hồ Duy Hải tại bưu điện Cầu Voi; Khám nghiệm tử thi chưa làm rõ thời gian tử vong của nạn nhân; Về những vật chứng, dao, thớt, ghế được mua về để thay thế là không đúng quy định của pháp luật. Đặc biệt, việc tài liệu tố tụng đưa ra ba con dao không nhất quán về mặt kích thước, thì không thể khẳng định con dao nào là công cụ gây án. Nhận định về mẫu than tro của việc đốt quần áo và dây lưng của Hải còn mơ hồ. Bên cạnh đó, quá trình tố tụng cũng chưa làm rõ việc bưu điện Cầu Voi hôm xảy ra án mạng có bị mất nước hay không; cũng như chưa làm rõ được việc bán tài sản mà Hải lấy của nạn nhân, mới chỉ dựa vào lời khai của Hải.

Cũng theo đại diện VKSND tối cao, có nhiều tình tiết phải chứng minh theo quy định của pháp luật nhưng không được làm rõ: Việc lấy dấu vân tay ở hiện trường phải truy nguyên nhưng chưa được làm rõ, chưa lí giải được vì sao lại có nhiều mẫu dấu vân tay của nhiều người ở hiện trường nhưng lại không có dấu vân tay của Hồ Duy Hải. Cơ quan điều tra chưa làm rõ được cơ chế hình thành vết thương ở trên vùng mặt và đầu của nạn nhân, hai vết thương trên cổ của nạn nhân giống nhau cả về độ sâu và chiều dài của vết cắt. Đồng thời, theo lời khai của nhân chứng thì khu vực bếp ăn có 2 con dao nhưng không được thu giữ, không có trong bản ảnh...

Đại diện VKSND tối cao cũng nhấn mạnh, trong phiên giám đốc thẩm, có nhiều vi phạm về tố tụng được nêu ra, như: Vi phạm việc khám nghiệm hiện trường không thu giữ vật chứng; Không truy nguyên dấu vân tay; Không trưng cầu thời điểm chết của nạn nhân; Không đưa lời khai không nhận tội của bị cáo vào hồ sơ vụ án; các lời khai nhân chứng Đinh Vũ Thường, Phùng Phụng Hiếu và đối tượng tình nghi là Nguyễn Văn Nghị, Nguyễn Mi Sol chưa được điều tra làm rõ. Một số biên bản nhận dạng không có người chứng kiến. Một số biên bản lời khai, hỏi cung của bị cáo không có ký xác nhận; Ghi nhận sai mã số ghế.

Theo đó, đại diện Viện Kiểm sát đề nghị có 6 việc phải làm khi điều tra lại. Đó là thực nghiệm lại điều tra hiện trường; xác định dấu vân tay là của ai và các đối tượng tình nghi; trưng cầu giám định thời điểm nạn nhân chết; làm rõ cơ chế gây thương tích; xác định rõ hơn động cơ, mục đích gây án; bổ sung vào hồ sơ vụ án những tài liệu, chứng cứ đang có trong hồ sơ nghiệp vụ của cơ quan điều tra.

VKSND tối cao khẳng định có đủ căn cứ và thấy cần thiết kháng nghị 2 bản án sơ thẩm, phúc thẩm, để làm rõ mâu thuẫn, thiếu sót trong tố tụng. Những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm./.

BVPL


Trân Định - Phi Sơn - Nam Phong