Tại buổi họp báo, Phó Ban Chỉ đạo Phạm Đức Hải cho biết căn cứ kế hoạch 2715 của UBND TP HCM, giai đoạn từ ngày 23/8 đến ngày 31/8/2021, mở rộng “vùng xanh” trên địa bàn thành phố; phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh đối với 7 quận - huyện sau: Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè, Phú Nhuận, quận 5, quận 7, quận 11. Theo đó, các quận - huyện đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện.
Ngày 2/9, quận 7 và huyện Củ Chi là 2 địa phương đầu tiên đạt mục tiêu được giao, công bố kiểm soát được dịch bệnh. Thành phố ghi nhận và biểu dương 2 địa phương này. Đối với 5 quận huyện còn lại, thành phố sẽ chỉ đạo tổ công tác đến thẩm tra dựa trên các tiêu chí của Bộ Y tế để đánh giá đơn vị đạt/chưa đạt và triển khai các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, theo Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải, quận 7 và huyện Củ Chi vẫn phải tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của thành phố, chưa cho phép các hoạt động kinh tế trở lại cho đến khi có đánh giá tổng quan từ các quận – huyện còn lại của Tổ thẩm tra làm căn cứ để thành phố xây dựng kế hoạch cụ thể cho giai đoạn tới.
Tại cuộc họp báo, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng Phòng Tham mưu, Công an TP HCM cho biết, Công an thành phố đã tiến hành rà soát, kiểm tra các địa bàn, số lượng người dân vi phạm rất ít. Về số lượng người tăng, một phần do thành phố đang có chủ trương đẩy mạnh việc cung ứng hàng hóa, nhu yếu phẩm cho người dân nên một số lực lượng được cho phép lưu thông theo quy định.
Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, thực hiện phương châm “ai ở đâu, ở yên đó”, Công an thành phố đã điều động hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ từ các phòng nghiệp vụ đến đảm nhiệm các chốt chặn kiểm soát ở các quận – huyện và đưa lực lượng đang chốt chặn phường – xã – thị trấn về các khu dân cư để nắm bắt tình hình địa bàn. Đồng thời, chỉ đạo Công an quận – huyện phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác nắm bắt đời sống người dân và kịp thời hỗ trợ, không để ai bị đói trong thời gian này.
Về vấn đề lưu thông, Công an thành phố cũng đang lập danh sách những người được cấp giấy phép lưu thông và cập nhật cơ sở dữ liệu trên phần mềm chung của Bộ Công an, để đối chiếu, so sánh với lượng người di chuyển và rà soát, kiểm soát các đối tượng F0 lưu thông trên đường.
Liên quan đến chương trình “vắc xin tinh thần” - chương trình hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho người dân trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tại TP HCM, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP HCM thông tin thêm, chương trình được khởi động từ ngày 5/9/2021, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2022 hoặc kéo dài tùy vào tình hình diễn tiến của đại dịch.
Chương trình có 3 nhóm nội dung hoạt động chính: Phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần; tham vấn và trị liệu tâm lý; hỗ trợ tái hòa nhập hậu COVID-19.
Với nội dung phòng ngừa phổ quát nâng cao sức khỏe tinh thần, chương trình tư vấn khẩn cấp cho người có nguy cơ thấp, có các dấu hiệu lo lắng, căng thẳng, hoang mang nhẹ, chưa đạt mức bệnh lý với các hoạt động chính như: hội thảo trực tuyến, chương trình Radio “Tâm an vượt qua đại dịch”, tư vấn trực tiếp thông qua cổng thông tin 1022.
Với nội dung tham vấn và trị liệu tâm lý, chương trình đáp ứng cho khoảng 15-20% người dân có các biểu hiện bệnh lý về lo âu, trầm cảm, nguy cơ tự tử, bị sang chấn vì nhiễm bệnh hoặc mất người thân do COVID-19… Chương trình phối hợp với Sở Y tế, Bệnh viện Bình Dân, Bệnh viện dã chiến số 12 (phường Bình Khánh, TP Thủ Đức) để tư vấn tâm lý cho bệnh nhân đang chữa trị tại đây.
Các chuyên gia của chương trình cũng sẽ tham vấn tâm lý rộng rãi cho người dân có nhu cầu thông qua hotline 0987 111 801 của Chương trình. Đối với các trường hợp cá nhân gặp phải bệnh lý nặng sẽ được hỗ trợ tham vấn, trị liệu lâu dài.
Trong nội dung hỗ trợ tái hòa nhập hậu COVID-19, chương trình hỗ trợ cho người dân tái phục hồi sau khi được can thiệp, giúp họ tìm thấy nguồn lực để tăng trưởng thông qua cung cấp thông tin về việc làm, phát triển bản thân, học tập và lao động, hay các chương trình hỗ trợ của Chính phủ, của TP HCM.
Về chủ trương kêu gọi lực lượng F0 đã được điều trị khỏi tham gia chống dịch, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết đây là những F0 đã có kháng thể bảo vệ sau thời gian nhiễm bệnh và hồi phục. Vì vậy, việc kêu gọi F0 hồi phục tự nguyện tham gia lực lượng chống dịch, hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc các trường hợp đang nhiễm bệnh là chủ trương đúng đắn. Hiện nay, chính sách hỗ trợ cho lực lượng này đang trình UBND TP HCM phê duyệt và sẽ có thông tin chi tiết tới các cơ quan báo chí.