Về vấn đề này, Luật sư Phạm Ngọc Oanh – Luật sư Công ty Luật TNHH Hùng Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội có ý kiến như sau:

leftcenterrightdel
 Luật sư Phạm Ngọc Oanh – Luật sư Công ty Luật TNHH Hùng Thắng.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh COVID – 19 đang diễn ra hết sức phức tạp tại hầu hết các địa phương trên cả nước. Trước sự lây lan nhanh chóng và khó kiểm soát của dịch bệnh COVID – 19 thì việc tiêm vắc xin phòng dịch bệnh COVID – 19 được xem là một trong những biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất.

Ngày 26/02/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID – 19. Để thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ, ngày 08/07/2021, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 3355/QĐ-BYT về việc ban hành kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm Vắc xin phòng COVID – 19 năm 2021 – 2020. Đồng thời, ngày 10/07/2021, Chính phủ cũng đã phát động triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng dịch bệnh COVID – 19 miễn phí cho người dân trên toàn quốc. Đây được xem là chiến dịch tiêm chủng vắc xin lớn nhất từ trước đến nay ở nước ta.

Theo quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 3355/QĐ-BYT của Bộ Y tế thì việc tiêm vắc xin phòng dịch bệnh COVID – 19 cho người dân là hoàn toàn miễn phí. Kinh phí thực hiện tiêm vắc xin được Nhà nước đảm bảo lấy từ ngân sách Nhà nước hoặc từ các nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước, ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác. Chính vì vậy mà người thực hiện hành vi thu tiền khi tiêm vắc xin phòng dịch bệnh COVID – 19 thì sẽ bị xử lý theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/09/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Y tế.

Cụ thể như sau:

Điều 9. Vi phạm quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế

….

3. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Không khám sàng lọc hoặc khám sàng lọc không đầy đủ cho đối tượng được tiêm chủng;

b) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật về tiếp nhận, vận chuyển và bảo quản vắc xin;

c) Không thực hiện đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn chuyên môn về an toàn tiêm chủng, quản lý đối tượng tiêm chủng;

d) Không dừng ngay buổi tiêm chủng khi đang triển khai tiêm chủng mà xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng;

đ) Không thống kê đầy đủ thông tin liên quan đến trường hợp tai biến nặng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế và báo cáo cho Sở Y tế trong thời hạn 24 giờ kể từ thời điểm xảy ra tai biến;

e) Không tổ chức tiêm chủng chống dịch khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã đăng ký với Sở Y tế sở tại để thực hiện tiêm chủng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng;

g) Tính vào giá dịch vụ tiêm chủng vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch đối với các khoản chi phí đã được ngân sách nhà nước bảo đảm;

h) Bán vắc xin, sinh phẩm y tế thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.

….”

Ngoài mức phạt vi phạm hành chính từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng theo quy định trên, người thực hiện hành vi thu tiền khi tiêm vắc xin phòng dịch bệnh COVID – 19 còn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại Điểm a Khoản 8 Điều 9 Nghị định 117/2020/NĐ-CP như sau:

“8. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc hoàn trả số tiền đã thu không đúng quy định của pháp luật đối với hành vi quy định tại các điểm g và h khoản 3 Điều này. Trường hợp không hoàn trả được cho đối tượng thì nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;”

Hương My