|
|
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 8/11 (ảnh: VPQH cung cấp). |
Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự đạt kết quả tích cực
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, năm 2022, VKSND các cấp tiếp tục chú trọng và tăng cường công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự. Nhiều biện pháp được thực hiện đạt kết quả tích cực hơn so với năm 2021 như: số cuộc kiểm sát trực tiếp tăng 23,2%; số kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm tăng so với năm 2021.
Cùng với đó, công tác xét phê chuẩn áp dụng các biện pháp ngăn chặn về cơ bản chặt chẽ, đúng pháp luật. Tỉ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh vượt so với yêu cầu của Quốc hội. Qua đó, VKSND các cấp đã kịp thời phát hiện, huỷ bỏ nhiều quyết định trái pháp luật của Cơ quan điều tra; ban hành nhiều kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm và được tiếp thu, thực hiện vượt 19,4% chỉ tiêu Quốc hội giao.
|
|
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra trước Quốc hội (ảnh: VPQH cung cấp). |
Ngoài ra, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự có kết quả tích cực và đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội. Tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hình sự được Tòa án chấp nhận đều vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Chất lượng các kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động xét xử được tiếp thu, thực hiện với tỉ lệ 100%.
Kịp thời xác minh, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng và xâm phạm hoạt động tư pháp
Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2022, công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao cơ bản tuân thủ đúng pháp luật, đạt được một số kết quả; kịp thời xác minh, khởi tố, điều tra nhiều vụ án tham nhũng và xâm phạm hoạt động tư pháp được dư luận quan tâm.
Theo Báo cáo, năm 2022, chưa để xảy ra trường hợp oan thuộc trách nhiệm của Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Tỉ lệ điều tra, khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng là 91,9%, đạt yêu cầu của Quốc hội (là trên 90%). Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng là 82,6%, tăng 23% so với năm 2021, vượt 22,6% so với chỉ tiêu Quốc hội giao.
Qua công tác điều tra, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã ban hành 57 kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp áp dụng biện pháp khắc phục và phòng ngừa vi phạm pháp luật, tội phạm; các kiến nghị đều được các cơ quan nghiêm túc tiếp thu, thực hiện.
Hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính được nâng cao
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, trong năm 2022, VKSND các cấp tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, vụ án hành chính.
|
|
Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội sáng 8/11 (ảnh: VPQH cung cấp). |
Tỉ lệ kháng nghị giám đốc thẩm án hành chính được Toà án chấp nhận đạt 80%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tỉ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự được Tòa án chấp nhận là 79%, vượt 9% so với chỉ tiêu Quốc hội giao, trong đó, tỉ lệ kháng nghị của VKSND ngang cấp chiếm 71,9%.
Cùng với đó, các kiến nghị của VKSND yêu cầu khắc phục vi phạm trong các vụ việc dân sự, vụ án hành chính được Toà án chấp nhận thực hiện đạt tỉ lệ cao và vượt so với yêu cầu của Quốc hội.
Thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án
Uỷ ban Tư pháp nhận thấy, công tác kiểm sát thi hành tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự đạt nhiều kết quả tích cực hơn so với năm 2021. Số cuộc kiểm sát trực tiếp tại nhà tạm giữ, trại tạm giam tăng 15,7%, tại trại giam tăng 14%, tại Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã tăng 21,7%; các yêu cầu của VKSND được cơ quan chức năng cơ bản thực hiện nghiêm túc; đã phát hiện và đề nghị loại 822 hồ sơ không đủ điều kiện, tiêu chuẩn.
Qua công tác kiểm sát, VKSND đã ban hành 4.076 kiến nghị, kháng nghị yêu cầu cơ quan thi hành tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự khắc phục vi phạm; được chấp nhận, thực hiện với tỉ lệ 95,7%, vượt 15,7% so với chỉ tiêu Quốc hội giao.
Bên cạnh đó, VKSND các cấp đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính như: tăng cường tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ; triển khai tổng kết công tác kiểm sát thi hành án, đồng thời tổng hợp các thiếu sót, vi phạm để thông báo rút kinh nghiệm trong toàn ngành... Qua đó đã phát hiện 2.013 trường hợp có vi phạm; ban hành nhiều yêu cầu, kiến nghị khắc phục và được chấp nhận thực hiện với tỉ lệ cao.