Đã giảm được hơn 7.000 đơn vị sự nghiệp công lập

Tranh luận tại hội trường, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cần báo cáo rõ hơn về tình hình tinh giản số lượng đơn vị sự nghiệp công lập trong giai đoạn vừa qua với Quốc hội và cử tri.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) phát biểu tranh luận (ảnh: VPQH cung cấp).

Đại biểu dẫn chứng, trong báo cáo của Bộ trưởng có nêu, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chậm ban hành và hoàn thiện thể chế. Tuy nhiên, Bộ trưởng không nêu địa chỉ rõ ràng. Do vậy, đại biểu Giang đề nghị Bộ trưởng giải trình rõ vấn đề này cũng như trách nhiệm của Bộ là như thế nào?

Trả lời phần tranh luận của đại biểu Nguyễn Trường Giang, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, vừa qua các cơ quan đã nỗ lực sắp xếp các đơn vị sự nghiệp. Theo đó, giảm trên 7.400 đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời đẩy mạnh tự chủ, tự chủ thường xuyên và cả tự chủ một phần. Điều này cho thấy nỗ lực lớn của các đơn vị trong toàn hệ thống nhưng còn có những vấn đề liên quan đến đẩy mạnh thực hiện tự chủ đơn vị sự nghiệp công lập.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết hiện đã có Nghị định của Chính phủ hướng dẫn về tự chủ tài chính và về mặt tổ chức bộ máy. Theo đó, trong các nghị định có giao thẩm quyền cho các Bộ theo chức năng phải xây dựng được quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp và xây dựng được định mức kinh tế kỹ thuật để đảm bảo thực hiện tự chủ.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn trước Quốc hội (ảnh: VPQH cung cấp).

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng thừa nhận đúng như đại biểu đã nêu là dù các nghị định đã được xây dựng từ năm 2020 nhưng đến nay một số Bộ thực hiện vẫn còn chậm. Bộ trưởng Bộ Nội vụ thẳng thắn nhận trách nhiệm của Bộ Nội vụ chưa thường xuyên đôn đốc cũng như chưa kịp thời báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo một cách quyết liệt, rốt ráo…

Làm thế nào để giảm được số lượng biên chế theo chỉ tiêu?

Trả lời câu hỏi đại biểu Trần Thị Hiền - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam làm thế nào để giảm được 5% biên chế công chức và 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực hiện Quyết định số 40 của Bộ Chính trị trong đó xác định rõ mục tiêu từ 2022 đến năm 2026 chúng ta phải thực hiện được hai chỉ tiêu quan trọng nêu trên.

Đây là bài toán cần sự quyết tâm, quyết liệt của cả hệ thống trị, đồng sức, đồng lòng, trước hết tiếp tục thực hiện thật tốt cải cách tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương, trong đó sắp xếp lại tổ chức bộ máy đơn vị hành chính bên trong của tất cả các cơ quan chuyên môn từ cấp tỉnh cho đến Trung ương. Công việc quan trọng nữa đó là sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đơn vị hành chính cấp xã.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên chất vấn của Quốc hội chiều 4/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành giám sát chuyên đề rất sâu, rộng với kết quả khá toàn diện về việc thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2019 – 2021 cho thấy chúng ta đã làm được những kết quả rất tốt và cần tiếp tục làm trong thời gian tới. Để thực hiện được việc giảm biên chế thì không còn cách nào khác, đó là chúng ta phải tiếp tục cơ cấu lại và sắp xếp lại các tổ chức.

Nhóm vấn đề thứ hai, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, cần tập trung hoàn thiện xong vị trí việc làm, khung năng lực của vị trí việc làm để xác định rõ biên chế của các cơ quan, đơn vị hành chính cũng như cơ quan, đơn vị sự nghiệp.

Vấn đề thứ ba, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính để số người không nhiều nhưng vẫn phải đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra…

Sẽ điều chỉnh mức lương cơ sở cao hơn mức lương tối thiểu vùng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thanh Vân về trọng dụng nhân tài, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, đây truyền thống của dân tộc ta, quan điểm nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về thu hút và trọng dụng nhân tài đã được thể hiện rất rõ trong các Nghị quyết, trong các văn kiện Đại hội Đảng… Đến thời điểm này, các địa phương đã thu hút sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ được khoảng gần 3.000. Tuy nhiên Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây là con số quá ít ỏi vào làm việc trong khu vực công.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội chiều 4/11 (ảnh: VPQH cung cấp).

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ xây dựng đề án chiến lược quốc gia thu hút và trọng dụng nhân tài và sẽ có cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn đang lấy ý kiến của các bộ, ngành, trình Chính phủ ban hành Nghị định tổng thể thu hút và trọng dụng nhân tài.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Huy Khánh về lương tối thiểu theo vùng, đội ngũ nhân viên làm công tác đơn vị hành chính sự nghiệp như văn thư, thủ quỹ, kế toán thì mức lương cơ bản thấp, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ trình tại Kỳ họp Quốc hội mức lương cơ sở từ 1 triệu 490 nghìn đồng lên 1 triệu 800 nghìn đồng (tăng lên 20,8%).

Như vậy, nhân viên đơn vị hành chính cũng trong diện được điều chỉnh lương này. Sau khi thực hiện điều chỉnh lương này, nếu điều kiện đất nước năm 2023 và những năm tới ổn định tốt, tăng trưởng tốt sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương, đảm bảo cao hơn mức lương tối thiểu vùng.

Vũ Cảnh