Thực hiện Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020), Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022.

Sau khi cho ý kiến tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định để trình Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ 3 tới. Đây là một trong những điểm mới trong hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ này.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp sáng 16/4.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Theo Tờ trình của Chính phủ, Chính phủ đề nghị đưa 15 dự án luật vào Chương trình năm 2023.

Tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến trình thông qua 9 dự án là các dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Dự kiến trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 về 4 dự án là: Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Phát triển công nghiệp.

Tại Kỳ họp thứ 6, dự kiến trình thông qua 4 dự án là các dự án đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5.

Dự kiến trình cho ý kiến 2 dự án là: Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ.

Về đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2022, Chính phủ đề nghị điều chỉnh Chương trình năm 2022 đối với 17 dự án. Điều chỉnh tên gọi dự án Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn thành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở để phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.

Tại Kỳ họp thứ 3, bổ sung vào chương trình 3 dự án, dự thảo để trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân và 2 dự thảo Nghị quyết (Nghị quyết của Quốc hội về việc kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu và Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa).

Bổ sung vào chương trình cho ý kiến 3 dự án, gồm: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng, chỉ đạo về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án Luật. Thời điểm đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án Luật để trình Quốc hội.

Tại Kỳ họp thứ 4, bổ sung vào Chương trình dự án Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp.

Bổ sung vào Chương trình thông qua 3 dự án gồm: Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bổ sung vào Chương trình cho ý kiến đối với 8 dự án, gồm: Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đánh giá tình hình thực hiện chương trình luật, pháp lệnh thời gian qua. Trong bối cảnh năm 2021 và năm 2022 có nhiều đặc thù nên việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh có nhiều điểm mới. Năm 2021 là năm cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV vừa là năm đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV và Kế hoạch số 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhiều điểm mới. Chính phủ đã có nhiều phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.

Về phía Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội và các Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực đã trực tiếp làm việc cùng các cơ quan của Quốc hội chuẩn bị từ sớm từ xa, cho ý kiến về các luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ xem xét hồ sơ, thủ tục, nội dung chính sách trong các dự án luật, thời điểm trình Quốc hội có thích hợp, các nội dung còn ý kiến khác nhau giữa Chính phủ và các cơ qua chủ trì thẩm tra...

Cảnh Vũ