Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian qua, hoạt động dầu khí cũng đã phát sinh một số vướng mắc, bất cập. Xuất phát từ thực tiễn quản lý, thực trạng thi hành pháp luật và bối cảnh tình hình hiện nay, việc xây dựng Luật Dầu khí (sửa đổi) để thay thế Luật Dầu khí năm 1993, năm 2000, năm 2008 là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường hiệu quả, hiệu lực trong quản lý nhà nước, loại bỏ rào cản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư, góp phần cải thiện mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư trong lĩnh vực dầu khí.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên họp chiều 14/4.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, việc xây dựng dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) phải đáp ứng yêu cầu đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết, gắn với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế nhất là về năng lượng; bảo vệ, khai thác hiệu quả tài nguyên, chủ quyền quốc gia bao gồm cả chủ quyền pháp lý, xây dựng thể chế hội nhập, khẳng định vị thế của Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế…

leftcenterrightdel
 Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên trình bày Tờ trình tại Phiên họp.

Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) gồm 9 Chương 56 điều, kế thừa các điều khoản cơ bản của Luật Dầu khí hiện hành, bảo đảm tính ổn định, liên tục của các hợp đồng dầu khí, Hiệp định đã ký kết; bảo đảm tính tương thích, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và thông lệ công nghiệp dầu khí quốc tế.

Thẩm tra Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Dầu khí (sửa đổi) để đáp ứng yêu cầu như Tờ trình của Chính phủ đã nêu. Các nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh thẩm tra Tờ trình.

Đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo thêm về việc nội luật hóa các quy định tại các điều ước quốc tế song phương trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực dầu khí, bảo đảm đáp ứng yêu cầu quy định của Luật Điều ước quốc tế. Để có thêm cơ sở nghiên cứu, xem xét các quy định tại dự thảo Luật, đề nghị Cơ quan soạn thảo bổ sung nội dung đánh giá tác động cụ thể đối với những quy định mới tại dự thảo Luật so với quy định hiện hành của pháp luật.

Cho ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ ra rằng, thiết kế các điều khoản về điều tra cơ bản dầu khí còn tương đối mờ nhạt. Cụ thể, tại Chương II chỉ có 03 điều quy định điều tra cơ bản về dầu khí gồm: nội dung điều tra cơ bản về dầu khí; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí; tổ chức thực hiện điều tra cơ bản về dầu khí. Nhấn mạnh điều tra cơ bản là một trong lĩnh vực quan trọng đối với vấn đề dầu khí, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ lưỡng về nội hàm và bản chất của điều tra cơ bản, quy định chặt chẽ và toàn diện hơn đối với nội dung này.

leftcenterrightdel
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến tại phiên họp. 

Về địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, theo Chủ tịch Quốc hội, dự án Luật quy định Tập đoàn Dầu khí Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước. Điều lệ và tổ chức hoạt động của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam do Chính phủ quy định. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được tiến hành điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí, ký kết và quản lý hợp đồng dầu khí với các tổ chức, cá nhân để tiến hành hoạt động dầu khí. Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần quy định rõ, cụ thể hơn, chặt chẽ, minh bạch hơn nữa về địa vị pháp lý của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Kết luận nội dung Phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật Dầu khí (sửa đổi) của Chính phủ, hồ sơ dự án Luật đã đầy đủ theo quy định, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã tập trung bao quát các vấn đề của dự án Luật, cần khẩn trương tiếp tục nghiên cứu để đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

leftcenterrightdel
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận nội dung Phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra và ý kiến tham gia của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật theo hướng tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương lớn của Đảng về định hướng phát triển của ngành dầu khí…

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của các cơ quan thẩm tra để hoàn chỉnh hồ sơ Dự án Luật; đề nghị Ủy ban Kinh tế hoàn thiện báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3.

Vũ Cảnh