Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Bí thư Ban cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Viện trưởng VKSND tối cao; các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Đồng chí Nguyễn Duy Giảng; đồng chí Nguyễn Quang Dũng.
|
|
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Văn Quyết) |
Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao, lãnh đạo và toàn thể công chức các đơn vị: Vụ 1; Vụ 3; Vụ 5; Vụ 6; Vụ 7; Vụ 11 và Cục 1; lãnh đạo và một số công chức các đơn vị: Vụ 13, Vụ 14, Vụ 15, Văn phòng, Cục 2, Thanh tra VKSND tối cao; các VKSND cấp cao.
Tại hơn 800 điểm cầu các đơn vị, VKSND và VKS quân sự các cấp có lãnh đạo và công chức các đơn vị thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự; đại diện Ban Giám hiệu, lãnh đạo, giảng viên các khoa, phòng liên quan đến pháp luật hình sự, kiểm sát hình sự và điều tra tội phạm của Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội; Trường đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh…
|
|
Các đồng chí lãnh đạo VKSND tối cao dự Hội nghị. (Ảnh: Vũ Phương) |
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại trụ sở VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân.
Báo cáo của VKSND tối cao (Vụ 5) tại Hội nghị thể hiện, tội phạm tham nhũng, chức vụ và kinh tế trong những năm qua luôn có diễn biến phức tạp, xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, các cấp, các ngành. Từ năm 2019 đến nay, trên toàn quốc đã phát hiện, khởi tố mới 10.301 vụ án/18.431 bị can. Trong đó tội phạm tham nhũng, chức vụ 1.355 vụ/3.507 bị can; tội phạm kinh tế 8.946 vụ/ 14.924 bị can.
Trong đó có nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp, số tiền bị thất thoát, chiếm đoạt đặc biệt lớn, dư luận xã hội quan tâm; đã làm rõ bản chất tham nhũng, tiêu cực trong nhiều vụ án, khởi tố nhiều bị can là cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang để điều tra, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, điển hình như: Vụ án Đinh Ngọc Hệ, vụ án Phan Văn Anh Vũ, vụ án Lê Tấn Hùng...; gần đây là vụ án Công ty Việt Á; vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Vụ án FLC; Tân Hoàng Minh... nhiều vụ án gây hậu quả thiệt hại đặc biệt lớn về tài sản cho Nhà nước như: vụ Phan Văn Anh Vũ, vụ AVG, vụ Tổng công ty SX-XNK Bình Dương...
|
|
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. |
Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao đã lãnh đạo, chỉ đạo toàn Ngành quán triệt, thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại các Hội nghị và các Phiên họp Ban Chỉ đạo, Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo. Đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo toàn Ngành tăng cường công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án và thu hồi tài sản; chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị, Viện trưởng VKSND các cấp chủ động, quyết liệt hơn trong công tác thu hồi tài sản; phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt quá trình giải quyết vụ án tham nhũng, kinh tế.
Tập trung chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công tố, phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra xác minh, làm rõ hành vi tham nhũng, chiếm đoạt trong các vụ án, vụ việc và áp dụng các biện pháp để bảo đảm thu hồi tài sản; động viên, khuyến khích bị can, bị cáo tự nguyện giao nộp tài sản, khắc phục hậu quả thiệt hại; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo kiểm sát việc thi hành phần dân sự trong các bản án. Chú trọng công tác nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về thu hồi tài sản bảo đảm đồng bộ, khả thi; xây dựng Hướng dẫn và tổ chức hội nghị tập huấn nghiệp vụ để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thu hồi tài sản.
Đẩy mạnh việc xây dựng các Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, thỏa thuận hợp tác quốc tế trong phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là tăng cường phối hợp để thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.
|
|
Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao
phát biểu kết luận Hội nghị |
Thực hiện chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, VKS các cấp đã có nhiều cố gắng, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao tỉ lệ thu hồi tài sản; chủ động đề ra yêu cầu điều tra, yêu cầu xác minh tài sản, phối hợp chặt chẽ với CQĐT áp dụng các biện pháp để phát hiện, thu giữ tài sản; động viên, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại. Kết quả, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu hồi 66.747 tỉ đồng/149.616 tỉ đồng phải thu hồi trong kỳ, đạt tỉ lệ 44,6%, ngoài ra còn kê biên, phong toả, yêu cầu tạm dừng giao dịch nhiều tài sản có giá trị như bất động sản; cổ phần, cổ phiếu; ô tô…, nhiều vụ án thu hồi 100% tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, theo VKSND tối cao, công tác thu hồi tài sản bị thất thoát chiếm đoạt thời gian qua còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như: Tiến độ thu hồi tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, nhiều vụ án không thu hồi được tài sản hoặc thu hồi không đáng kể, tỉ lệ thu hồi tài sản còn thấp (trung bình đạt khoảng 40%) chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu Quốc hội; một số vụ án, vụ việc chưa chú trọng xác minh tài sản của bị can và đối tượng liên quan trong giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, đến khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can thì tài sản riêng của bị can không còn; CQĐT thường chỉ tập trung điều tra, làm rõ tội phạm, chưa chú trọng việc điều tra, xác minh, truy tìm tài sản để kịp thời áp dụng biện pháp thu hồi…
|
|
Các đại biểu dự Hội nghị. |
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao đã quán triệt chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật, Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao và nội dung Hướng dẫn kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ. Hội nghị cũng đã trao đổi, thảo luận về những biện pháp thực hiện, khó khăn, vướng mắc và kinh nghiệm nhằm nâng cao hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ.
|
|
Đồng chí Nguyễn Đức Thái, Vụ trưởng Vụ 5, VKSND tối cao trình bày Hướng dẫn số 33/HD-VKSTC về kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc,
vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao Vụ 5, VKSND tối cao đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị nội dung tài liệu để tổ chức Hội nghị về công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ.
Đánh giá cao mục đích, ý nghĩa của Hội nghị, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng, điều quan trọng là thông qua Hội nghị để tổ chức tập huấn cho toàn Ngành nhằm thực hiện thống nhất, hiệu quả các quy định của pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ về kỹ năng thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ; từ đó, nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng nghiệp vụ và tăng cường trách nhiệm của VKSND các cấp trong công tác thu hồi tài sản, góp phần nâng cao tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản Nhà nước bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ.
|
|
Đồng chí Hoàng Thị Quỳnh Chi, Vụ trưởng Vụ 14, VKSND tối cao trình bày Báo cáo chuyên đề “Công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, chức vụ và kinh tế liên quan chức vụ;
thực trạng, nguyên nhân và giải pháp” |
Để công tác này của Ngành trong thời gian tới được tốt hơn, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao cũng lưu ý, toàn ngành Kiểm sát cần quán triệt, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quốc hội về công tác phòng, chống tham nhũng; trong đó, người đứng đầu cấp uỷ, đơn vị chịu trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan liên quan trong công tác phát hiện và thu hồi tài sản ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm nhằm chống việc tẩu tán tài sản và trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để tháo gỡ vướng mắc.
Bên cạnh đó, VKS phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong phát hiện, điều tra, xử lý và thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm củng cố, kiện toàn bộ máy, quan tâm công tác đào tào, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kiến thức chuyên ngành cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, bảo đảm đủ số lượng, có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tham nhũng và thu hồi tài sản trong giai đoạn hiện nay.
|
|
Đồng chí Nguyễn Kim Sáu, Vụ trưởng Vụ 11, VKSND tối cao trình bày Hướng dẫn số 26/HD-VKSTC một số kỹ năng của Kiểm sát viên khi kiểm sát thi hành án dân sự về thu hồi tài sản
trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. |
Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao yêu cầu và lưu ý, toàn ngành Kiểm sát cần nhận thức sâu sắc rằng, bên cạnh việc quyết tâm ngăn chặn, phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng thì các cơ quan tiến hành tố tụng trong đó có ngành Kiểm sát cần phải đặc biệt chú trọng công tác phát hiện, xác minh, truy tìm tài sản, tiền có nguồn gốc từ tham nhũng và từ các hành vi sai phạm trong các vụ án kinh tế, chức vụ để thu hồi triệt để cho Nhà nước. Đây chính là yêu cầu quyết liệt trong các chủ trương chỉ đạo của Đảng ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua. Việc xử lý tội phạm tham nhũng đi đôi với thu hồi được tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, bị gây thiệt hại trong các vụ án mới là kết quả cao nhất mà nhân dân và xã hội mong đợi.
|
|
Các điểm cầu tại Hội nghị. |
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, trong thời gian một buổi chiều, Hội nghị đã diễn ra theo chương trình dự kiến, nội dung của Hội nghị đã bám sát chủ đề tập huấn kỹ năng của Kiểm sát trong công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ. Các chuyên đề báo cáo tại Hội nghị và các chuyên đề tham luận của các đơn vị đã tập trung phân tích, làm sáng tỏ những chủ trương lớn của Đảng trong công tác phòng chống tham nhũng, việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt. Đặc biệt, Hội nghị đã được nghe ý kiến chỉ đạo và những yêu cầu của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao đối với toàn Ngành trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc áp dụng các biện pháp thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế liên quan đến chức vụ.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Trâm cũng đề nghị, thông qua Hội nghị, các đồng chí lãnh đạo, Kiểm sát viên VKS các cấp trong toàn Ngành khi được giao thực hành quyền công tố, giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế chức vụ và kiểm sát thi hành án dân sự cần chủ động, tích cực nghiên cứu, quán triệt việc thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định, quy chế, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành về công tác thu hồi tài sản cho Nhà nước trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết án, lãnh đạo VKS phải thường xuyên đặt ra yêu cầu đối với Kiểm sát viên và tích cực, chủ động đề ra biện pháp để yêu cầu CQĐT và các cơ quan liên quan khẩn trương xác minh, truy tìm, hạn chế, ngăn chặn việc giao dịch, chuyển dịch tài sản liên quan đến đối tượng trong vụ án, vụ việc. Kiểm sát viên trong quá trình trực tiếp thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án cần có độ nhạy bén, thông minh khi tiếp cận thông tin và xử lý kịp thời thông tin về tài sản của đối tượng phạm tội.
Cùng với đó, các đơn vị thuộc VKSND tối cao (Vụ 3, Vụ 5, Vụ 11, Vụ 14) đặc biệt chú trọng công tác hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp vướng mắc; các cơ sở đào tạo của Ngành sau Hội nghị cần tiếp thu nội dung các chuyên đề, ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo VKSND tối cao để xây dựng thành các chuyên đề giảng dạy trong Nhà trường…
Thời gian qua, kết quả công tác thu hồi tài sản có nhiều chuyển biến, thể hiện rõ sự quyết tâm của các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và vai trò, trách nhiệm, sự quyết liệt của VKS nói riêng, nhiều vụ án gây hậu quả thiệt hại lớn đến tài sản của Nhà nước đã được thu hồi triệt để, điển hình như vụ án Hứa Thị Phấn, vụ Phạm Công Danh, vụ Phan Văn Anh Vũ… Bên cạnh đó, VKSND tối cao cũng rất tích cực trong công tác tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản trong một số vụ án tham nhũng, kinh tế như: vụ Giang Kim Đạt, vụ Phan Sào Nam, vụ Phan Văn Anh Vũ.
|