leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 20/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Theo đó, với 95,34% đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường giao thông từ Quốc lộ 27C đến đường tỉnh ĐT.656 tỉnh Khánh Hòa – Kết nối với tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Ninh Thuận.

Nghị quyết gồm 5 Điều, nêu rõ mục tiêu của Dự án nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển tỉnh Khánh Hòa theo Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28 tháng 1 năm 2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối 2 huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh theo quy hoạch hệ thống giao thông của tỉnh Khánh Hòa.

Tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh nói riêng và tỉnh Khánh Hòa nói chung, tăng khả năng kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa liên vùng với các tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng. Tăng cường quốc phòng, an ninh trong khu vực, tạo thành mạng lưới giao thông cơ động thông suốt trong mọi tình huống để bảo đảm an ninh, quốc phòng; phục vụ hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ rừng.

leftcenterrightdel
 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết (ảnh: VPQH cung cấp).

Phạm vi thực hiện trên địa bàn 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa. Quy mô: Đầu tư khoảng 56,9 km đường cấp III miền núi, tốc độ thiết kế là 60 km/h. Đoạn qua địa hình khó khăn, hiểm trở, độ dốc cao, gấp khúc tốc độ thiết kế là 40 km/h; 2 làn xe, tổng chiều rộng nền 9m, mặt đường rộng 6m, lề đường 2 bên 3m (gia cố lề mỗi bên 1m).

Hình thức đầu tư được quy định trong Nghị quyết là đầu tư công; Tổng diện tích đất chiếm dụng sơ bộ khoảng 128,96 ha. Nghị quyết đồng ý chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất rừng và chuyển mục đích sử dụng rừng khoảng 75,58 ha (trong đó: đất rừng, rừng phòng hộ đầu nguồn khoảng 27,07 ha; đất rừng, rừng đặc dụng khoảng 32,88 ha; và đất rừng, rừng sản xuất khoảng 15,63 ha) để thực hiện Dự án.

Tổng mức đầu tư và nguồn vốn của Dự án khoảng 1.930 tỉ đồng gồm cả nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn ngân sách địa phương. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2023 đến hết năm 2027.

Nghị quyết giao Chính phủ chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện, quản lý và khai thác, vận hành Dự án theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tiến độ, chất lượng công trình. Quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, tiêu cực; công khai, minh bạch và hiệu quả, không để trục lợi chính sách. Bảo đảm cam kết phân bổ đủ 1.000 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên làm việc của Quốc hội sáng 20/6 (ảnh: VPQH cung cấp).

Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, chịu trách nhiệm về việc thực hiện cam kết của tỉnh Khánh Hòa phân bổ đủ 930 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương và có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án; thực hiện nghiêm việc trồng rừng thay thế theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp, bảo đảm phù hợp với điều kiện lâm sinh và đa dạng sinh học; chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu về diện tích rừng, đất rừng; quan tâm công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng; khảo sát, đánh giá, kiểm kê kỹ tài sản của người dân để đền bù thỏa đáng theo quy định của pháp luật; chú trọng bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, sinh kế, việc làm, chuyển đổi nghề cho người dân vùng Dự án. Hằng năm, báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện Dự án vào kỳ họp cuối năm.

Nghị quyết cũng nêu rõ, việc triển khai, thực hiện Dự án được áp dụng các cơ chế đặc thù: Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư Dự án; trình tự lập, thẩm định, quyết định đầu tư Dự án thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và các quy định của pháp luật có liên quan đối dự án nhóm A do cấp tỉnh quản lý.

Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án trong thời gian Quốc hội không họp, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Vũ Cảnh