leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 19/6.

Phát biểu điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, vào sáng 5/6, Quốc hội đã nghe trình bày Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án luật này, sau đó, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án luật này. Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi báo cáo tổng hợp ý kiến tới các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Xây dựng đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình gửi tới các đại biểu Quốc hội. 

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đây là dự án luật có nhiều nội dung phức tạp, có liên quan chặt chẽ với nhiều dự án luật khác về đất đai, đầu tư, đấu thầu… tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề trọng tâm trong dự án luật cũng như các vấn đề các đại biểu quan tâm.

Cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng cho rằng, chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này. Chính sách trên được thể hiện trong các quy định chung và Chương 6 của dự thảo luật. Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.

Với định hướng đó, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: Chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân. 

Bên cạnh đó, cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê. Cần tách bạch giữa đầu tư và vận hành nhà ở xã hội, trong đó Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội cho thuê, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách; cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành nhà ở xã hội.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự phiên làm việc của Quốc hội sáng 19/6.

Cùng với đó, chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm về nhà ở xã hội trong dự thảo luật. Theo đó, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua. 

Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội. Nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận nhà ở xã hội.

Cân nhắc thời gian bảo hành nhà chung cư

Góp ý về bảo hành nhà chung cư, đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo điều chỉnh sự khác biệt và hợp lý đối với thời gian bảo hành nhà chung cư và công trình cấp đặc biệt và cấp 1.

Cụ thể, tại điểm b, khoản 2, Điều 7 của Dự thảo luật, đại biểu Lưu Bá Mạc đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc điều chỉnh sự khác biệt một cách phù hợp và hợp lý đối với thời gian bảo hành tối thiểu là 60 tháng đối với nhà chung cư và thời gian bảo hành tối thiểu 24 tháng đối với các công trình hoặc hạng mục công trình cấp đặc biệt, cấp một.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lưu Bá Mạc – Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn phát biểu.

Đại biểu cho biết, tại điểm b, khoản 2, Điều 7 Dự thảo luật quy định về việc bảo hành nhà chung cư kể từ khi hoàn thành việc xây dựng và nghiệm thu đưa vào sử dụng có thời hạn tối thiểu là 60 tháng. Trong khi đó, tại điểm a, khoản 2, Điều 35 Nghị định số 46 năm 2015 quy định thời gian bảo hành tối thiểu 24 tháng đối với các công trình, hạng mục công trình cấp đặc biệt và cấp một.

Trong đó, công trình cấp đặc biệt được phân loại theo thông tư số 06 năm 2021 của Bộ Xây dựng, bao gồm có Nhà Quốc hội, Phủ Chủ tịch, trụ sở Chính phủ, trụ sở Trung ương Đảng, các công trình đặc biệt quan trọng khác hoặc bệnh viện đa khoa, bệnh viện chuyên khoa trung ương đến địa phương có tổng số giường trên 1.000 giường, thời gian tối thiểu bảo hành trong hai loại trường hợp trên có sự khác biệt đáng kể, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm về sự khác biệt này.

Còn bỏ sót hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ

Cho ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội cho biết, khoản 3, Điều 146 quy định: Các quyết định của Ban quản trị nhà chung cư nếu vượt quá quyền hạn quy định tại Điều này và Quy chế hoạt động của Ban quản trị thì không có giá trị pháp lý; trường hợp vi phạm thì tùy theo mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội phát biểu.

Đại biểu cho rằng, quy định này chưa thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự, còn bỏ sót hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Hơn nữa, theo Bộ luật Hình sự, chỉ pháp nhân thương mại mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ban quản trị nhà chung cư không phải là pháp nhân thương mại, nên không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đại biểu đề nghị sửa khoản 3 Điều 146 theo hướng bổ sung cụm từ “thành viên” vào trước cụm từ “Ban quản trị nhà chung cư”; bổ sung cụm từ “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” vào trước cụm từ “vượt quá quyền hạn”.

Đoạn 2 khoản 3 Điều 152 dự thảo luật quy định: Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện chủ đầu tư có hành vi vi phạm pháp luật hình sự thì UBND cấp tỉnh yêu cầu cơ quan có thẩm quyền điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đại biểu cho rằng, quy định này chưa phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của UBND cấp tỉnh, không thống nhất với đoạn 2 khoản 1 Điều 5 và khoản 3 Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự. Đại biểu đề nghị sửa đổi, bổ sung đoạn 2 khoản 3 Điều 152 thành: Trong quá trình thực hiện cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì UBND cấp tỉnh kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát nhân dân có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc này.

Vũ Cảnh