Ngày 1/7/2022, Chủ tịch nước CHXH Việt Nam ký ban hành Quyết định số 766/QĐ-CTN về đặc xá năm 2022.

Ngày 11/7/2022, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành Hướng dẫn số 2385/HD-VKSTC-V8 về việc triển khai thi hành Quyết định số 766 của Chủ tịch nước trong ngành Kiểm sát nhân dân.

Để đảm bảo thực hiện tốt nhất công tác kiểm sát đặc xá 2022, VKSND các cấp, Kiểm sát viên cần lưu ý một số nội dung trong kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá, kiểm sát thực hiện quyết định đặc xá và chế độ thông tin báo cáo.

Về thủ tục, hồ sơ

Đối với số phạm nhân đã được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện đợt giữa năm 2022, nếu đủ điều kiện đặc xá năm 2022 thì phạm nhân đó phải viết đơn đề nghị đặc xá, đồng thời có đơn xác nhận việc rút đơn đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Về hồ sơ đề nghị đặc xá bao gồm các văn bản, tài liệu quy định tại Điều 5 Nghị định số 52/NĐ-CP ngày 14/6/2019 của Chính phủ, trong đó lưu ý tài liệu chứng minh:

Lập công: Bao gồm Bản tường trình về lập công; đề nghị bằng văn bản khen thưởng của cán bộ cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc Cơ quan điều tra sử dụng người bị kết án phạt tù để phục vụ công tác điều tra; xác nhận hoặc bản sao quyết định khen thưởng về việc người bị kết án phạt tù lập công lớn trong quá trình chấp hành án phạt tù của Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân hoặc Cơ quan điều tra sử dụng người bị kết án phạt tù để phục vụ công tác điều tra.

Người đang mắc bệnh hiểm nghèo là người mắc một trong các bệnh: Ung thư giai đoạn cuối, liệt; lao năng kháng thuốc; xơ gan cổ chướng, suy tim độ III trở lên; suy thận độ IV trở lên; bệnh HIV giai đoạn lâm sàng IV đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao hoặc mắc bệnh khác mà được Hội đồng giám định y khoa hoặc bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là không tự phục vụ bản thân, nguy cơ tử vong cao.

Người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân là người đang phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện liên tục từ 3 tháng trở lên hoặc không liên tục nhưng phải nằm điều trị tại bệnh viện từ ba lần trở lên, mỗi lần từ 1 tháng trở lên, không tự phục vụ bản thân.

Trong đó cần lưu ý: Người được đề nghị đặc xá là người đang mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân, người bị kết án phạt tù đang có thai, hồ sơ phạm nhân phải có Kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao bệnh án, kết luận của bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên.

Tài liệu chứng minh mắc bệnh hiểm nghèo, ốm đau thường xuyên chỉ có giá trị trong thời hạn 06 tháng.

leftcenterrightdel
 Đoàn kiểm sát VKSND tỉnh Tuyên Quang tiến hành kiểm sát hồ sơ đề nghị đặc xá năm 2021.

Người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình là trường hợp gia đình của người bị kết án phạt tù đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do tai nạn, ốm đau, thiên tai, hỏa hoạn hoặc sự kiện bất khả kháng khác dẫn đến không còn tài sản gì đáng kể, không có thu nhập hoặc thu nhập dưới mức chuẩn hộ nghèo hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người đó là lao động duy nhất trong gia đình, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú xác nhận là đúng.

Lưu ý: Đơn trình bày hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất (phải trình bày rõ hoàn cảnh cụ thể của từng thành viên của gia đình gồm: Bố, mẹ, vợ (hoặc chồng), con, anh, chị, em ruột đang sinh năm nào, đang ở đâu, làm gì). Đơn phải được UBND cấp xã nơi gia đình phạm nhân, gia đình người đang được tạm đình chỉ cư trú xác nhận là đúng.

Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của pháp luật dân sự phải có bản sao Quyết định của Tòa án có thẩm quyền tuyên bố người bị kết án phạt tù có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Người có tiền án nhưng đã được xóa án tích phải có tài liệu chứng minh đã được xóa án tích là giấy chứng nhận hoặc quyết định xóa án tích của Tòa án có thẩm quyền cấp cho người có tiền án hoặc trong bản án ghi là có tiền án nhưng đã được xóa án tích hoặc có Phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích do Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia hoặc Sở Tư pháp cấp.

Sử dụng biu mẫu thực hiện cồng tác đặc xá năm 2022

Ngày 5/7/2022, Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 5014/QĐ-BCA ban hành biểu mẫu và hướng dẫn sử dụng biểu mẫu để thực hiện công tác đặc xá năm 2022 (kèm theo 27 biểu mẫu), trong đó có nội dung hướng dẫn cụ thể hơn trong Phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân.

Khi kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá yêu cầu Kiểm sát viên, Kiểm tra viên đối chiếu, nghiên cứu kỹ các nội dung quy định mới nêu trên trong việc thiết lập hồ sơ đề nghị đặc xá của các cơ sở giam giữ phạm nhân, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, phục vụ tốt cho việc thẩm định, thẩm tra, cụ thể:

Tại mục tóm tắt hành vi phạm tội: Đặc xá năm 2021, việc ghi tóm tắt hành vi phạm tội của phạm nhân được đề nghị đặc xá còn sơ sài, không bảo đảm yêu cầu phục vụ việc thẩm định, thẩm tra hồ sơ. Đặc xá năm 2022, tại mục tóm tắt nội dung vụ án, yêu cầu tóm tắt phải thể hiện rõ tính chất, mức độ, hậu quả và vai trò trong thực hiện hành vi phạm tội của phạm nhân được đề nghị đặc xá trong vụ án đó. Phần tóm tắt nội dung phải nêu rõ: Tòa án đã áp dụng điểm, khoản, điều nào của Bộ luật Hình sự để quyết định hình phạt đối với phạm nhân đó.

Các mục tiền án, tiền sự, nhân thân hoặc hình phạt bổ sung là tiền phạt, án phí, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ trả lại tài sản, nghĩa vụ dân sự khác phải ghi đầy đủ thông tin theo đúng hướng dẫn. Những mục nào không có trong bản án thì phải ghi là “Không”, không được để trống.

Đối với các trường hợp mà các tài liệu có trong hồ sơ thể hiện phạm nhân đã tự nguyện bồi thường thiệt hại trong quá trình điều tra hoặc thực hiện việc bồi thường thiệt hại theo quyết định của Tòa án khi xét xử sơ thẩm nhưng không thể hiện trong bản án mà phạm nhân đang phải chấp hành thì cũng phải ghi rõ trong Phiếu đề nghị đặc xá cho phạm nhân.

leftcenterrightdel
 Kiểm sát viên Vụ 8, VKSND tối cao dặn dò phạm nhân được đặc xá trước khi trở về hòa nhập xã hội . Ảnh: Tần Tùng

Trình tự, thủ tục lập danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá đối với người đang chấp hành án phạt tù được thực hiện theo quy định tại Điều 15 Luật Đặc xá, trong đó cần lưu ý các nội dung sau:

 Ngay khi Quyết định số 766/QĐ-CTN ngày 01/7/2022 được công bố, thông báo trên truyền thông (là ngày 02/7/2022), trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải niêm yết, phổ biến cho người đang chấp hành án phạt tù biết.

- Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày Quyết định số 766/QĐ-CTN được niêm yết, phổ biến, phạm nhân đủ điều kiện làm đơn đề nghị đặc xá.

- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Quyết định số 766/QĐ-CTN  được niêm yết, phổ biến thì:

+ Giám thị trại giam thuộc Bộ Công an lập danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá gửi Tổ thẩm định liên ngành;

+ Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Công an lập danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp để gửi Tổ thẩm định liên ngành;

Giám thị trại tạm giam thuộc Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, báo cáo Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để gửi Tổ thẩm định liên ngành;

Lưu ý: Phạm nhân thuộc diện trích xuất để phục vụ điều tra, truy tố, xét xử nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội khác, nếu đủ điều kiện được đề nghị đặc xá thì Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân đang quản lý hồ sơ gốc của người đó lập hồ sơ đề nghị đặc xá. Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân  nhận người bị trích xuất nhưng không quản lý hồ sơ gốc có trách nhiệm phối hợp với cơ quan đang quản lý hồ sơ gốc của người đó lập hồ sơ đề nghị đặc xá;

+ Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng hoặc Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu lập danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá, báo cáo Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án hình sự Bộ Quốc phòng để gửi Tổ thẩm định liên ngành.

Trình tự, thủ tục hồ sơ đề nghị đặc xá đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù:

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày 2/7/2022 (ngày công bố Quyết định 766/QĐ-CTN), Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu đã ra quyết định tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù có trách nhiệm thông báo Quyết định về đặc xá cho người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, lập danh sách, hồ sơ của người đủ điều kiện được đề nghị đặc xá gửi Tổ thẩm định liên ngành.

Lưu ý: Trường hợp người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù cư trú ở địa phương ngoài phạm vi địa giới hành chính của Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ thì Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ thông báo cho TAND cấp huyện, Tòa án quân sự khu vực nơi người đang được tạm đình chỉ cư trú lập danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá, chuyển đến Tòa án đã ra quyết định tạm đình chỉ để tổng hợp, gửi Tổ thẩm định liên ngành.

Hồ sơ đề nghị đặc xá đối với trường hợp người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù phải có văn bản đề nghị đặc xá của VKSND cấp tỉnh nơi TAND cấp tỉnh đề nghị đặc xá.

Thủ trưởng cơ sở giam giữ phạm nhân, Chánh án TAND cấp tỉnh và Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu có trách nhiệm thông báo, niêm yết công khai danh sách người được đề nghị đặc xá.

Lưu ý: Việc Giám thị trại giam thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp trại tạm giam thuộc Bộ Công an, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu, Chánh án TAND cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát có thẩm quyền quy định tại Điều 30 của Luật đặc xá về kết quả lập danh sách, hồ sơ của người được đề nghị đặc xá để kiểm sát trước khi gửi Tổ thẩm định liên ngành.

VKSND tối cao trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ tại 15 trại giam, 4 trại tạm giam

VKSND tối cao căn cứ Điều 30 Luật đặc xá tổ chức trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá tại 15 trại giam, 4 trại tạm giam thuộc Bộ Công an và phân công cho VKS cấp tỉnh kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá tại 39 trại giam thuộc Bộ Công an.

Yêu cầu báo cáo kết quả kiểm sát lập hồ sơ tại 39 trại giam nêu trên về VKSND tối cao (Vụ 8) trước ngày 22/7/2022; đồng thời báo cáo kịp thời các vướng mắc, bất cập bằng điện thoại, fax về Vụ 8 để có hướng dẫn chỉ đạo.

VKSND cấp tỉnh tổ chức kiểm sát trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá tại trại tạm giam Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh (đối với hồ sơ, danh sách đề nghị đặc xá do Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện lập), kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù củaTAND cấp tỉnh.

VKS quân sự Trung ương tổ chức trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá tại các trại giam, trại tạm giam thuộc Bộ Quốc phòng.

VKS quân sự cấp quân khu tổ chức trực tiếp kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá tại Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; kiểm sát việc lập hồ sơ đề nghị đặc xá đối với người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù của TAND quân sự cấp quân khu.

VKSND cấp tỉnh kiểm sát đặc xá tại 49 trại giam và 2 trại tạm giam

Vụ 8 kiểm sát việc thực hiện quyết định đặc xá của Chủ tịch nước tại 5 trại giam thuộc Bộ Công an và 2 trại tạm giam T16, B14 của Bộ Công an.

VKSND tối cao phân công VKSND cấp tỉnh tổ chức kiểm sát việc thực hiện quyết định đặc xá của Chủ tịch nước tại 49 trại giam và 2 trại tạm giam thuộc Bộ Công an, VKSND cấp tỉnh chủ động tổ chức kiểm sát việc thực hiện Quyết định đặc xá tại trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an và TAND cấp tỉnh bảo đảm chính xác, đúng quy định tại các điều 18, 19 và 24 Luật Đặc xá.

Việc tổng hợp, báo cáo kết quả công tác kiểm sát đặc xá của từng địa phương yêu cầu báo cáo về VKSND tối cao (Vụ 8) trước ngàygo top  5/9/2022 để tổng hợp, báo cáo Viện trưởng.

Lương Minh Thống - Bùi Thị Tú Oanh