Trước đó, cũng tại Kỳ họp thứ 9, vào chiều ngày 20/5/2025, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự. Tổng hợp tại tổ, đã có 50 lượt đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến. Ngay sau đó, VKSND tối cao đã có Báo cáo số 55 ngày 26/5/2025 giải trình, tiếp thu bước đầu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật này.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến - Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận chiều 27/5. Ảnh: PV

Tại phiên thảo luận tại Hội trường Diên Hồng chiều 27/5, các đại biểu đã thảo luận, góp ý thêm về một số nội dung, trong đó nhiều đại biểu bày tỏ sự quan tâm đến quy định Trưởng hoặc Phó trưởng Công an xã là Điều tra viên; về điều tra, truy tố, xét xử trong trường hợp vắng mặt…

Cần tăng cường số lượng Điều tra viên cho Công an xã

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) bày tỏ sự ủng hộ về quy định Trưởng hoặc Phó trưởng Công an xã là Điều tra viên. Đại biểu cho biết, theo báo cáo giải trình của Bộ Công an vào ngày 28/4/2025, sẽ bố trí ở các xã từ 6 đến 7 Điều tra viên trong tổng biên chế của Công an cấp xã.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thanh Sang phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

“Tôi thấy sự bố trí này phù hợp, bởi lẽ bây giờ nếu từ xã lên tỉnh, nếu ở các địa bàn xa thì đi cả ngày, mà sự việc xảy ra là phải nhanh, ngay và hiệu quả. Nếu trước đây Công an xã giữ nhiệm vụ là bảo vệ hiện trường thì nay với việc tăng cường Điều tra viên, Công an xã chủ trì với danh nghĩa là Điều tra viên và dưới sự kiểm sát của VKSND khu vực, tôi cho rằng, quy định này là cần thiết”, đại biểu Nguyễn Thanh Sang bày tỏ.

Theo đại biểu, có nhiều việc phải giải quyết ngay, phải lấy lời khai ngay và thực hiện các biện pháp tố tụng ngay. Do đó, đại biểu cho rằng, bố trí như thế đáp ứng được yêu cầu phân cấp, phân quyền trong tình hình mới.

“Hồ sơ vụ án hình sự bây giờ toàn độ mật trở lên nên không thể nào cái gì cũng qua công nghệ thông tin và báo cáo án phải có tài liệu nên không thể nào qua công nghệ thông tin báo cáo được. Rất mong các đại biểu ủng hộ quan điểm này. Vấn đề là chúng ta tăng cường lực lượng và đảm bảo chất lượng các hoạt động điều tra theo đúng quy định pháp luật” - đại biểu Nguyễn Thanh Sang nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) bày tỏ sự ủng hộ chủ trương tăng cường năng lực cho cấp cơ sở và việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Điều tra viên, Trưởng Công an, Phó trưởng Công an cấp xã, đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết vụ việc.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Lệ phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu quả và tính pháp chế, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng và quy định thật cụ thể, chặt chẽ về thẩm quyền của lực lượng này sao cho phù hợp với năng lực của Công an cấp xã và đảm bảo hiệu quả thực chất trong công tác phòng, chống tội phạm.

Theo đại biểu, việc giao thêm thẩm quyền cho Công an cấp xã phải đi đôi với việc xác định rõ các tiêu chuẩn về năng lực, trình độ chuyên môn pháp lý tối thiểu đối với các Điều tra viên. Không chỉ đơn thuần là bố trí Điều tra viên từ cấp tỉnh về mà còn cần có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, đặc biệt là các kỹ năng điều tra cơ bản, thu thập và đánh giá chứng cứ, đồng thời cơ chế kiểm soát quyền lực phải được đặc biệt chú trọng.

“Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định cụ thể trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên trực tiếp của Thủ trưởng Cơ quan điều tra cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền đối với toàn bộ hoạt động khởi tố, điều tra của Công an cấp xã. Phải có cơ chế chỉ đạo nghiệp vụ rõ ràng và quy định về trách nhiệm liên đới của cấp trên để phòng ngừa sai phạm”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, cần đảm bảo đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị chuyên dụng và kinh phí hoạt động cho Công an cấp xã để họ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới là điều kiện tiên quyết...

Ủng hộ quy định điều tra, truy tố, xét xử trong trường hợp bị can bỏ trốn

Quan tâm đến quy định về điều tra, truy tố, xét xử trong trường hợp vắng mặt, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, đây là một quy định mới rất cần thiết “vì trong thời gian qua có những trường hợp đối tượng bị can sau khi Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án thì không còn trong nước, họ đã cao chạy xa bay”.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

“Tôi cho rằng quy định điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt hết sức cần thiết, rất phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước ta. Không thể chấp nhận khi anh đã sai phạm, anh đã vi phạm luật pháp của đất nước Việt Nam rồi, anh tìm mọi cách trốn ra nước ngoài, kể như anh bình lặng, yên ổn, không xử lý được gì anh”, đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Xuân Thân (Đoàn ĐBQH tỉnh Khánh Hòa) thể hiện sự tán thành rất cao về nội dung của Tờ trình dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và Tư pháp. Đại biểu cho rằng, các nội dung này tập trung để quy định những nội dung cần thiết phục vụ cho việc đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của ngành Tư pháp nói chung.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Lê Xuân Thân phát biểu thảo luận. Ảnh: VPQH

“Tôi thể hiện nhất trí trong việc bổ sung thêm những nội dung liên quan tới việc điều tra, truy tố và xét xử đối với những bị can, bị cáo mà khi phát hiện vụ án thì không còn ở Việt Nam nữa, có nghĩa đang trốn, đang bị truy nã, chưa có kết quả. Như vậy, đây là những nội dung bổ sung cần thiết để chúng ta thực hiện quy trình tố tụng vừa bảo đảm xét xử, điều tra, truy tố không lọt người, không lọt tội nhưng cũng để bảo đảm quyền tự bào chữa, bào chữa cho người xét xử vắng mặt. Tôi rất tán thành các nội dung điều luật bổ sung”, đại biểu Lê Xuân Thân khẳng định.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ việc bổ sung các quy định cho phép Cơ quan điều tra kết luận điều tra đề nghị truy tố và VKSND quyết định truy tố trong trường hợp bị can bỏ trốn hoặc ở nước ngoài mà không thể triệu tập.

“Đây là một giải pháp quan trọng để giải quyết tình trạng tồn đọng nhiều vụ án, đặc biệt là các vụ án tham nhũng, kinh tế phức tạp, có yếu tố bỏ trốn, thể hiện sự quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm”, đại biểu Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.

Việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này để đáp ứng yêu cầu cấp bách từ thực tiễn

Phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, thay mặt cho Cơ quan chủ trì soạn thảo, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Viện trưởng VKSND tối cao cảm ơn các đại biểu đã có những ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết, trách nhiệm và chính xác.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến - Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tiếp thu, giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận chiều 27/5. Ảnh: PV

Giải trình các vấn đề cụ thể, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự lần này để đáp ứng những yêu cầu thực tiễn của việc tổ chức lại chính quyền địa phương 2 cấp, khi không còn Cơ quan điều tra Công an cấp huyện cũng như: Tổ chức lại VKSND và Tòa án nhân dân 3 cấp; kết thúc hoạt động của Tòa án, VKS cấp huyện; thành lập Tòa án, VKS khu vực cũng như kết thúc hoạt động của Tòa án, VKSND cấp cao.

Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong đợt sửa đổi lần này, Ban soạn thảo đã có đánh giá và tổng kết sau gần 10 năm thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự để tính toán tiến tới sửa đổi toàn diện. “Phạm vi sửa đổi Luật lần này chỉ đảm bảo đáp ứng yêu cầu cấp bách, thực tiễn và những vấn đề đã rõ, đã có kết luận”, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh.

Vấn đề thứ hai, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong phát biểu thảo luận tại hội trường ngày hôm nay (27/5) cũng như phát biểu thảo luận tại tổ, các đại biểu đã bày tỏ sự ủng hộ rất cao về việc bổ sung thẩm quyền, nghĩa vụ, quyền hạn của Điều tra viên trung cấp trở lên được bố trí là Trưởng hoặc Phó trưởng Công an cấp xã. Theo Viện trưởng VKSND tối cao, hiện nay, vấn đề này đúng với thực tiễn qua kết thúc hoạt động của Công an điều tra cấp huyện, thực tiễn đang đặt ra những vấn đề hết sức vướng mắc và việc bổ sung này rất cần thiết.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH

Về vấn đề số lượng Điều tra viên được bố trí ở Công an cấp xã, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, trong luật này quy định Điều tra viên trung cấp trở lên là Trưởng hoặc Phó trưởng Công an xã được thực hiện một số thẩm quyền ủy quyền trực tiếp của Thủ trưởng hoặc Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra và sẽ được chỉ huy các Điều tra viên của cấp xã để thực hiện nhiệm vụ. Không phải Công an xã chỉ có 1 Điều tra viên.

“Báo cáo các đại biểu yên tâm là sẽ bố trí lực lượng như thế để thực hiện khởi tố, điều tra những vụ án, vụ việc đến mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Đây là vấn đề chúng tôi xin nói thêm để đại biểu cũng chia sẻ và ủng hộ cho việc giao thẩm quyền cho Trưởng, Phó trưởng Công an cấp xã trong dự thảo luật”, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến khẳng định.

Về vấn đề điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, việc này rất có tác dụng, đặc biệt là các tội phạm kinh tế, tham nhũng,… Theo Viện trưởng VKSND tối cao, việc bổ sung này là rất cần thiết vì quy định liên quan đến điều tra, truy tố vắng mặt trước đây chưa được bổ sung trong Luật.

“Một lần nữa, chúng tôi hết sức nghiêm túc tiếp thu và sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng những ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã phát biểu ở tổ cũng như tại hội trường hôm nay để bổ sung hoàn thiện dự thảo Luật”, Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến khẳng định.

Phát biểu kết luận nội dung làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến phát biểu cơ bản tán thành với nội dung sửa đổi luật. Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo giải trình, làm rõ và cũng báo cáo thêm một số nội dung liên quan đến dự án Luật.

“Đề nghị VKSND tối cao khẩn trương phối hợp với Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp, các cơ quan có liên quan tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh dự án luật với chất lượng cao nhất, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh.

Minh Khôi