Chiều 16/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận tại Tổ về: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Chỉ sửa đổi những vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết
Thảo luận tại Tổ 1 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, các đại biểu cho ý kiến về các nội dung: Ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý vi phạm hành chính; mức phạt tiền trên địa bàn thành phố Hà Nội và nội thành các thành phố trực thuộc Trung ương; thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính; xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản…
    |
 |
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận tại Tổ 1 (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội). Ảnh: Phạm Thắng. |
Đa số ý kiến tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý vi phạm hành chính với các lý do như nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Thống nhất với phạm vi sửa đổi, bổ sung như dự thảo Luật. Theo đó, chỉ sửa đổi những vấn đề cấp bách, thực sự cần thiết để phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp; thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; đồng thời khắc phục những bất cập, hạn chế cơ bản, mang tính phổ biến trong triển khai thi hành Luật thời gian qua.
Đối với những nội dung chưa thực sự cấp bách hoặc còn ý kiến khác nhau và những nội dung tác động trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nhưng chưa tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động thì tiếp tục rà soát, tổng kết, tổ chức nghiên cứu để trình Quốc hội xem xét khi sửa đổi toàn diện Luật này, dự kiến tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).
Quy định xử phạt hành chính không lập biên bản có thể dẫn tới sự tùy tiện
Về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính (Điều 37a), các ý kiến tán thành việc bổ sung thẩm quyền xử phạt của Trưởng đoàn kiểm tra trong thời hạn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra để bảo đảm tính kịp thời trong xử phạt vi phạm hành chính khi dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) không tiếp tục quy định việc tổ chức thanh tra chuyên ngành tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ (trừ một số đơn vị đặc thù); đồng thời, đề nghị tiếp tục rà soát các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đảm bảo thống nhất với các luật liên quan.
    |
 |
Đại biểu Tạ Đình Thi phát biểu thảo luận. Ảnh: Phạm Thắng. |
Phát biểu thảo luận, đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị bổ sung quy định về quy trình, thủ tục công tác kiểm tra. Theo đại biểu, dự thảo Luật đã quy định thẩm quyền của Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành, nhưng hiện nay việc áp dụng các biện pháp xử phạt vẫn theo quy trình của thanh tra mà không phải theo quy trình kiểm tra. Vì vậy, cần thiết bổ sung quy trình này trong dự thảo luật và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Cùng quan tâm đến quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Hữu Chính – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội cho biết, dự thảo Luật liệt kê các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính là chưa phù hợp, dễ dẫn tới thiếu đối tượng bởi thời gian tới, có thể sẽ thêm các cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính nhưng lại không được quy định trong luật. Đại biểu đề nghị quy định theo hướng: những cơ quan hành pháp theo quy định của pháp luật.
    |
 |
Đại biểu Nguyễn Hữu Chính phát biểu thảo luận. Ảnh: Phạm Thắng. |
Góp ý quy định về xử phạt hành chính không lập biên bản trong dự thảo luật, đại biểu cho rằng, nếu không lập biên bản có thể dễ dẫn tới sự tùy tiện của cơ quan xử phạt. Hơn nữa, trong trường hợp người bị xử phạt khiếu kiện lại không có căn cứ để cơ quan cấp trên xử lý việc xử phạt đó là đúng hay sai. Do đó, cần cân nhắc tất cả các trường hợp đều phải lập biên bản để có căn cứ xử lý.
Đại biểu Tạ Đình Thi – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ trong việc xác định các hành vi vi phạm hành chính và lập biên bản vi phạm hành chính. Ngoài ứng dụng công nghệ thông tin, cần mở rộng, quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Bởi qua thực tiễn, việc xử phạt vi phạm hành chính trên đất liền khác với trên biển, nếu không áp dụng công nghệ sẽ rất khó khăn...
    |
 |
Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà phát biểu thảo luận. Ảnh: Phạm Thắng. |
Góp ý quy định về mức phạt tiền, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội đề nghị làm rõ cơ sở điều chỉnh, bởi mức phạt tiền phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Thu nhập, sức mua của đồng tiền, tình hình lạm phát...
“Đặc biệt, cơ quan chủ trì soạn thảo cần quan tâm mức phạt tiền là yêu cầu đấu tranh phòng, chống hành vi vi phạm. Ví dụ: Hành vi nào có yêu cầu hành vi phòng chống cao thì mức phạt tiền cần cao hơn”, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà kiến nghị.