Ngày 15/7, Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị phổ biến tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng.
Đến dự Hội nghị có ông Lê Quang Hùng - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cùng hơn 150 đại biểu tham dự, bao gồm đại diện các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng; đại diện các cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án (cơ quan trưng cầu giám định của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc); đại diện các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành; các cơ quan chuyên môn về xây dựng tại địa phương; các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tư pháp theo vụ việc.
|
|
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng phát biểu tại Hội nghị. |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết, hiện nay, công tác giám định tư pháp nói chung và giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng đang trở thành một trong những nội dung hết sức quan trọng để xác định nguyên nhân, giá trị thiệt hại, xác định trách nhiệm các vụ việc và yêu cầu của cơ quan tố tụng.
“Lĩnh vực xây dựng là lĩnh vực đặc thù có những điểm khác biệt so với các giám định tư pháp khác. Hiện nay, các cơ quan chuyên môn theo xu hướng chung đang hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này. Cụ thể, Luật Giám định tư pháp ra đời, sau đó các Thông tư, hướng dẫn được ban hành và tiếp tục được sửa đổi, bổ sung” – Thứ trưởng Lê Quang Hùng cho biết.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Lê Quang Hùng cũng cho rằng, thực tế hiện nay, công tác giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng được đánh giá cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, cũng đòi hỏi phải cố gắng hơn nữa, đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo chất lượng khi giám định, không phát sinh khiếu nại trong quá trình tranh tụng.
“Thông qua Hội nghị này, các đơn vị, tổ chức, cá nhân là những người trực tiếp có tiếng nói góp ý, trao đổi và trên cơ sở đó các cơ quan quản lý nhà nước có những tiếp thu, ghi nhận, chỉnh sửa và đặc biệt là cơ quan tố tụng có thêm ý kiến xem công tác này cần hoàn thiện thêm ở khâu nào, chỗ nào”.
Trao đổi tại Hội nghị, ông Phạm Văn Tuấn, Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đã phổ biến một số nội dung cơ bản của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều cuat Luật giám định tư pháp, Nghị định số 157/2020/NĐ- CP sửa đổi bổ sung Nghị định số 85/2013/NĐ. Với những mở rộng phạm vi giám định tư pháp hoạt động giám định tư pháp được thực hiện theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng. Kết quả là nguồn chứng cứ phục vụ hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hình án hình sự; giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự. Việt Nam cần có tư cách một chuyên gia độc lập để góp phần minh bạch hóa đời sống tố tụng.
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng xây dựng Phạm Minh Hà đã khẳng định, Bộ Xây dựng với vai trò cơ quan quản lý Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật góp phần đưa hoạt động giám định, giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng đã có những chuyển biến tích cực. Thể chế về giám định, giám định tư pháp xây dựng đã cơ bản được hoàn thiện thông qua việc ban hành Luật, Nghị định và các Thông tư hướng dẫn thực hiện; hệ thống Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật ngày càng được hoàn thiện; nguồn nhân lực thực hiện công tác giám định, giám định tư pháp xây dựng đã được tăng lên về số lượng, chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực tế. Các vụ việc giám định, đặc biệt là các vụ việc lớn đã cơ bản được giải quyết, đáp ứng kịp thời yêu cầu của hoạt động tố tụng.
Hội nghị phổ biến một số điểm mới của các pháp luật liên quan trong lĩnh vực xây dựng. Một số quy định mới của pháp luật giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng (Thông tư 17/2021/TT- BXD), một số văn bản pháp luật mới liên quan của Bộ Xây dựng về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng (Luật số 56/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Nghị định 157/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, các quy định của pháp luật về chi phí giám định, bồi dưỡng giám định; Thông tư số 17/2021/TT-BXD ngày 22/12/2021 quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng)...
Cục trưởng Phạm Minh Hà cũng đề xuất một số kiến nghị với Bộ Xây dựng, Ủy ban nhân dân các Tỉnh và Cơ quan trưng cầu giám định tư pháp nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật cũng như bảo đảm năng lực giám định tư pháp tại các địa phương, quy định chế tài cụ thể đối với tổ chức, cá nhân.....
Ông Nguyễn Bắc Thủy- Trưởng phòng Kinh tế đầu tư- Cục Kinh tế Xây dựng, Bộ Xây dựng với những kinh nghiệm thực tiễn trong các vụ án đã trình bày tham luận liên quan tới các công tác giám định chi phí đầu tư. Các quy trình thủ tục liên quan nhằm rút ngắn quá trình giám định tư pháp.
Đại diện Viện Khoa học công nghệ Xây dựng - Ông Cao Duy Khôi, Giám đốc Viện chuyên ngành kết cấu công trình xây dựng, chia sẻ: Tất cả các vụ việc xảy ra sự cố xây dựng đều có lỗi của các bên liên quan do làm không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trình tự nội dung các công việc thực hiện không đúng. Công tác giám định thường tốn rất nhiều thời gian, hệ thống tiêu chuẩn phục vụ công tác kiểm định, giám định chưa đầy đủ hoặc đã cũ. Việc phê duyệt dự toán giám định tư pháp đôi khi còn vướng mắc, gây tốn thời gian về thủ tục…..
Thông qua những trao đổi, thảo luận mà các đại biểu đóng góp để khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác lựa chọn, trưng cầu tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; tiếp nhận trưng cầu, bàn giao hồ sơ tài liệu phục vụ giám định; quy trình thực hiện giám định; tạm ứng, thanh toán chi phí, bồi dưỡng giám định; tham dự phiên tòa; sự phối hợp giữa các cơ quan trưng cầu và các tổ chức, cá nhân thực hiện giám định trong việc xác định nội dung giám định, cung cấp hồ sơ, tài liệu phục vụ giám định, xác định thời hạn giám định …
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tổ chức thực hiện một số giải pháp như: tiếp tục rà soát, xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hành lang kỹ thuật quy chuẩn, tiêu chuẩn, cơ chế chính sách đảm bảo khuyến khích, thu hút hiệu quả lực lượng giám định tư pháp xây dựng. Bộ sẽ chú trọng phổ biến, tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ giám định và kiến thức pháp luật liên quan công tác giám định, định giá tài sản cho các tổ chức, cá nhân tham gia giám định tư pháp xây dựng và kiện toàn hệ thống các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện giám định tư pháp xây dựng;… nhằm từng bước đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hoạt động giám đinh tư pháp trong lĩnh vực xây dựng.
Bộ Xây dựng sẽ đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích, đảm bảo lực lượng giám định tư pháp; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ cho lực lượng làm giám định tại địa phương; các cơ quan trưng cầu nghiên cứu, bổ sung quy định về cơ chế, chính sách tài chính đối với công tác giám định tư pháp, đặc biệt đối với các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành khi thực hiện nhiệm vụ giám định; quy định cụ thể các trường hợp được quyền từ chối giám định tư pháp; quy định chế tài xử lý đối với tổ chức, cá nhân có vi phạm quy định của pháp luật trong việc thực hiện giám định tư pháp.