Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 157/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021.
Theo đó, Điều 1 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Điều 1. Phạm vi điều chỉnh. “Nghị định này quy định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của tổ chức giám định tư pháp công lập: việc thành lập và đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp: chính sách ưu đãi đối với Văn phòng giám định tư pháp: quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; nhiệm vụ, quyền hạn của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đối với hoạt động giám định tư pháp.”.
Điểm b khoản 1 Điều 3 được sửa đổi như sau: “b) Xây dựng quy trình, quy chuẩn giám định pháp y trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;”.
Điểm b khoản 1 Điều 7 được sửa đổi như sau: “Xây dựng quy trình, quy chuẩn giám định pháp y tâm thần trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;”.
Điểm b khoản 1 Điều 9 được sửa đổi như sau: “b) Xây dựng quy trình, quy chuẩn giám định kỹ thuật hình sự trình Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;”.
Ngoài ra, Nghị định số 157/2020/NĐ-CP còn quy định: Điểm d, điểm đ, điểm g khoản 1 Điều 27 được sửa đổi, bổ sung như sau:
“d) Bộ Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định về mã số hoặc chức danh nghề nghiệp đối với giám định viên tư pháp chuyên trách và người tham gia hoạt động giám định tư pháp thuộc các tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần trong ngành y tế; xây dựng chế độ phụ cấp thường trực đối với giám định viên tư pháp và người tham gia giám định tư pháp thuộc tổ chức giám định tư pháp công lập về pháp y thuộc ngành y tế trình cơ quan có thẩm quyền ban hành; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giám định viên tư pháp chuyên trách và người tham gia hoạt động giám định tư pháp thuộc các tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần thuộc ngành y tế.
Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu quy định hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chức danh giám định viên tư pháp chuyên trách và người tham gia hoạt động giám định tư pháp thuộc các tổ chức giám định tư pháp công lập trong Công an nhân dân theo quy định của pháp luật; theo dõi, đôn đốc, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện các chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giám định viên tư pháp chuyên trách và người tham gia hoạt động giám định tư pháp thuộc các tổ chức giám định tư pháp công lập trong Công an nhân dân;”.
“đ) Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra về hoạt động giám định pháp y trong ngành công an và quốc phòng. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng thực hiện việc kiểm tra, thanh tra về hoạt động giám định kỹ thuật hình sự trong quân đội; phối hợp với VKSND tối cao thực hiện việc kiểm tra về hoạt động giám định kỹ thuật hình sự trong cơ quan kiểm sát;”.
“g) Bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm rà soát, đăng tải danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ; hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh trong danh sách chung;”.
Ngoài ra, Nghị định số 157/2020/NĐ-CP còn sửa đổi khoản 2 Điều 21; Điều 23; Điều 26; Điểm b khoản 2 Điều 27; điều 28; Bổ sung Điều 28a về “Cách thức thực hiện thủ tục hành chính về giám định tư pháp” vào sau Điều 28. Đồng thời bãi bỏ khoản 3 và khoản 4 tại Điều 29 của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp...