Theo Quy định, đối tượng áp dụng bao gồm: VKSND các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức thuộc VKSND các cấp được phân công nhiệm vụ tiếp công dân; người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác tiếp công dân của VKSND.
Liên quan đến việc từ chối tiếp công dân, Quy định nêu rõ, người tiếp công dân được từ chối tiếp công dân khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân nhưng phải giải thích cho công dân biết lý do từ chối và phải báo cáo cho lãnh đạo đơn vị biết.
Đối với những trường hợp được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Luật Tiếp công dân, người tiếp công dân phối hợp với bảo vệ cơ quan hoặc một công chức khác trong đơn vị lập biên bản ghi nhận sự việc để làm cơ sở từ chối tiếp công dân.
Trường hợp công dân có hành vi gây rối trật tự tại nơi tiếp công dân, người tiếp công dân phối hợp với bảo vệ tại nơi tiếp công dân, Cảnh sát bảo vệ hoặc Công an xã, phường, thị trấn tại nơi tiếp công dân lập biên bản ghi nhận sự việc; báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình để đề nghị cơ quan có thẩm quyến xử lý.
Đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Tiếp công dân thì người tiếp công dân dự thảo văn bản Thông báo từ chối tiếp công dân, trình người có thẩm quyền ký ban hành.
Về việc xử lý đơn có nhiều nội dung, Quy định nêu rõ: Trường hợp đơn có nhiều nội dung khác nhau, vừa có khiếu nại, vừa có tố cáo hoặc kiến nghị, phản ánh thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết thành từng loại đơn riêng và hướng dẫn công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh theo quy định của pháp luật.
|
|
VKSND cấp cao tại Đà Nẵng tiếp công dân. |
Trường hợp khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân có nội dung tố giác tội phạm thì người tiếp công dân hướng dẫn công dân viết đơn riêng về tố giác tội phạm và gửi đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác về tội phạm theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
VKSND các cấp quản lý việc tiếp nhận thông tin khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thông qua sổ tiếp công dân và phần mềm quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Liên quan đến việc xử lý tố cáo, Quy định nêu rõ: Trường hợp vụ, việc tố cáo hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức, thì người tiếp công dân phải kịp thời báo cáo, tham mưu, đề xuất Viện trưởng Viện kiểm sát cấp mình để yêu cầu thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị áp dụng biện pháp theo thẩm quyền nhằm ngăn chặn thiệt hại hoặc thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời thiệt hại xảy ra.
Trường hợp tố cáo đối với đảng viên vi phạm quy định, điều lệ của Đảng, người tiếp công dân hướng dẫn công dân thực hiện việc tố cáo theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương và hướng dẫn của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ngoài các nội dung trên, Quy định còn đề cập đến việc tiếp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; trách nhiệm tổ chức thực hiện; hiệu lực thi hành...