Bảo đảm Luật Xử lý VPHC được thi hành hiệu quả trên thực tế

Thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), Bộ Tư pháp vừa hoàn thiện dự thảo (lần 2) Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Theo cơ quan chủ trì soạn thảo, Luật Xử lý VPHC năm 2012 là đạo luật có nội dung lớn, phức tạp, liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của rất nhiều cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, có tác động đến hầu hết các chủ thể trong xã hội. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng góp phần đảm bảo kỷ cương hành chính; bảo vệ an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức. 

Tại Kỳ họp thứ 10, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý VPHC, có hiệu lực kể từ ngày 1/1//2022 (Luật số 67/2020/QH14).

Tuy nhiên, Luật Xử lý VPHC (sửa đổi, bổ sung năm 2020) còn có những vấn đề cần thiết phải hướng dẫn, quy định biện pháp cụ thể để tổ chức thi hành, bảo đảm các quy định của Luật được áp dụng chính xác, thống nhất trong phạm vi toàn quốc và thực hiện tốt vai trò quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC trong phạm vi cả nước của Chính phủ.

Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc xây dựng Nghị định nhằm quy định chi tiết một số điều, khoản mà Luật giao Chính phủ quy định chi tiết, đồng thời, hướng dẫn, quy định cụ thể, đầy đủ các biện pháp để tổ chức thi hành Luật, bảo đảm Luật Xử lý VPHC được tổ chức thi hành hiệu quả trên thực tế.

Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thi hành các quy định của pháp luật về xử lý VPHC, tạo cơ sở pháp lý chung, áp dụng thống nhất trong công tác xử phạt vi phạm hành chính trên toàn quốc, đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác quản lý trong thi hành pháp luật về xử lý VPHC.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Đồng thời, kế thừa, phát triển những quy định còn phù hợp của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 97/2017/NĐ-CP); bổ sung những quy định mới để khắc phục một cách cơ bản một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tế của pháp luật về xử lý VPHC hiện hành.

Xử lý kịp thời, đúng tính chất, mức độ vi phạm

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC bao gồm 4 chương và 43 điều. Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý VPHC về xử phạt VPHC; các yêu cầu của việc quy định tại các nghị định xử phạt VPHC trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước; quản lý nhà nước về thi hành pháp luật về xử lý VPHC.

Về trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính khi thi hành công vụ, dự thảo Nghị định nêu rõ: Khi tiến hành xử phạt VPHC người có thẩm quyền phải có lệnh thi hành công vụ, mặc trang phục, sắc phục, phù hiệu của ngành theo quy định.

Xử lý kịp thời, đúng tính chất, mức độ vi phạm, đúng quy định của pháp luật về xử phạt VPHC, điều lệnh, điều lệ, quy chế của từng ngành.

Có thái độ hòa nhã, nghiêm túc, không gây phiền hà, sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản khác của người vi phạm hoặc dung túng, bao che người vi phạm; không được vi phạm các điều cấm.

Người có hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này hoặc vi phạm quy định về những hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 12 Luật Xử lý VPHC hoặc vi phạm quy định khác của pháp luật, thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại phải bồi hoàn theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước.

Liên quan đến trách nhiệm và việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người có thẩm quyền ban hành quyết định về xử phạt VPHC có sai sót, dự thảo Nghị định quy định: Người có thẩm quyền đã ban hành quyết định về xử phạt VPHC có sai sót và cơ quan của người đó phải kịp thời áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả do việc ban hành và thực hiện quyết định gây ra.

Việc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với người đã ban hành quyết định về xử phạt VPHC có sai sót phải căn cứ vào nội dung, tính chất, mức độ sai sót của quyết định và hậu quả do việc thực hiện quyết định đó gây ra đối với cá nhân, tổ chức có liên quan và trên cơ sở tính chất, mức độ lỗi của người đã ban hành, tham mưu ban hành quyết định đó.

Việc xem xét trách nhiệm được thực hiện như sau: Cơ quan của người có thẩm quyền đã ban hành quyết định về xử phạt VPHC có sai sót phải tổ chức việc kiểm điểm, xác định trách nhiệm của người đã ban hành, tham mưu ban hành quyết định đó, đồng thời, xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong việc ban hành quyết định về xử phạt VPHC có sai sót.

Cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình ban hành, tham mưu ban hành quyết định về xử phạt VPHC có sai sót, tùy theo tính chất, mức độ lỗi và nội dung có sai sót của quyết định, phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức; nếu gây thiệt hại thì phải bồi hoàn theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của nhà nước; trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị đề nghị xem xét, truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Về vấn đề phối hợp thanh tra việc thi hành pháp luật về xử lý VPHC, dự thảo Nghị định quy định rõ việc phối hợp thanh tra thi hành pháp luật về xử lý VPHC giữa Bộ Tư pháp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan; giữa Sở Tư pháp với các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, các cơ quan được tổ chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND cấp huyện được thực hiện trong trường hợp có kiến nghị, phản ánh của cá nhân, tổ chức, báo chí về việc áp dụng quy định pháp luật về xử lý VPHC gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Cùng với các nội dung trên, cơ quan chủ trì soạn thảo đang xin ý kiến Chính phủ đối với 2 vấn đề còn có nhiều ý kiến khác nhau đó là: Xử phạt cán bộ, công chức, viên chức thực hiện hành vi vi phạm khi đang thi hành công vụ, nhiệm vụ; quy định cụ thể thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC của Bộ Tư pháp (với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý VPHC) đối với TAND tối cao và Kiểm toán Nhà nước.
P.V