Đó là một trong những ý kiến được các đại biểu đưa ra tại Phiên họp thứ 42 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc sáng 10/2 tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

leftcenterrightdel
 Khai mạc Phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Với sự điều hành nội dung thảo luận của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long thay mặt Chính phủ trình bày Tờ trình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Cho ý kiến vào dự án luật này, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá hồ sơ dự án luật về cơ bản được chuẩn bị rất công phu. Tuy nhiên, các ý kiến đề nghị Chính phủ và cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật là Bộ Tư pháp cần tổng kết, đánh giá rõ hơn, cụ thể hơn về những chính sách, quy định được đề nghị sửa đổi, bảo đảm nguyên tắc chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã chín muồi, rõ ràng, có sự đồng thuận cao; đánh giá tác động cụ thể hơn về các chính sách được đề nghị sửa đổi, bổ sung; thống kê số liệu từng lĩnh vực, so sánh với các lĩnh vực có liên quan để có cơ sở khoa học.

Về đề nghị tăng mức xử phạt tối đa với 10 lĩnh vực và bổ sung mức phạt tối đa với 6 lĩnh vực, nhiều ý kiến tán thành với đề xuất của Chính phủ nhưng đề nghị rà soát lại từng lĩnh vực cụ thể, phân loại theo nhóm và chỉ tăng mức xử phạt tối đa theo nhóm, không tăng mức xử phạt tối đa với mọi loại hành vi vi phạm trong tất cả lĩnh vực đó.

Các ý kiến thống nhất cao cho rằng không nhất thiết xử phạt hành chính phải luôn thấp hơn mức tối thiểu của hình phạt bằng tiền tối thiểu quy định trong Bộ luật Hình sự, bởi vì hậu quả pháp lý của xử lý hình sự bao giờ cũng nghiêm trọng hơn hậu quả pháp lý của xử lý hành chính, do còn liên quan đến án tích, nhân thân của người bị xử lý.

Các đại biểu cho rằng, không nên căn cứ vào thu nhập trung bình của người dân để xây dựng mức phạt hành chính, mà cần phạt thật nặng để tăng tính răn đe, khiến người ta không dám vi phạm.

Thực tế vừa qua khi Chính phủ ban hành Nghị định số 100/2019/NĐ-CP xử phạt nặng hành vi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn đã có tác dụng ngay lập tức. Do bị xử phạt nặng, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế của bản thân và gia đình, nhiều người đã cân nhắc rất kỹ khi sử dụng rượu bia mà sau đó có thể phải điều khiển phương tiện giao thông. Nhờ vậy, tỷ lệ tai nạn giao thông giảm mạnh.

Từ thực tế này, một số ý kiến đề nghị Chính phủ sớm sửa đổi quy định để tăng mức phạt tiền với các hành vi quấy rối tình dục, dâm ô, vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm…

Về hai biện pháp cưỡng chế mà Chính phủ đề xuất bổ sung, gồm: ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước và đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, các đại biểu hầu hết đều nhất trí với ý kiến của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, đề nghị đánh giá lại bản chất của hai biện pháp này là cưỡng chế hay hình phạt.

Một số ý kiến đồng ý rằng, biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện pháp cưỡng chế trong các trường hợp vi phạm về môi trường, xây dựng, khi điện, nước được sử dụng như là công cụ để vi phạm; tránh trường hợp áp dụng với mọi hành vi vi phạm khác, vì điện, nước là nhu cầu thiết yếu của người dân.

Bản chất của hợp đồng cung cấp dịch vụ điện, nước là hợp đồng dân sự, nên cần tránh trường hợp hành chính hóa quan hệ dân sự.

Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã nghe lãnh đạo các Bộ Tư pháp; Công an; Lao động, Thương binh và Xã hội phát biểu giải trình, làm rõ thêm các nội dung liên quan. Đại diện Chính phủ, cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu khẳng định sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự án luật trước khi trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 9./.

Xuân Hưng