Xử phạt vi phạm hành chính số tiền là 1,958 tỉ đồng
Thực hiện quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, thực hiện Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính theo Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 26/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trò chơi có thưởng (bao gồm casino, đặt cược và trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài) để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo Bộ này, từ năm 2017, khuôn khổ pháp lý đối với lĩnh vực trò chơi có thưởng đã được Chính phủ ban hành, hoàn thiện, theo đó Chính phủ đã ban hành các Nghị định số 86/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài, Nghị định số 03/2017/NĐ-CP ngày 16/1/2017 về kinh doanh casino và Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 22/1/2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế làm cơ sở pháp lý để tổ chức thực hiện, quản lý, giám sát đối với các hoạt động kinh doanh này. Tại 3 Nghị định chuyên ngành này đã quy định cụ thể về hành vi xử phạt vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt tiền, thẩm quyền xử phạt.
Triển khai Nghị định số 86/2013/NĐ-CP và Nghị định số 03/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã phối hợp các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra định kỳ và xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp có vi phạm pháp luật (13 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và casino với tổng số tiền là 1,958 tỉ đồng).
Việc triển khai công tác kiểm tra và xử phạt vi phạm hành chính nêu trên đã đóng góp những mặt tích cực trong quản lý, điều hành thị trường trò chơi có thưởng, góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước, tăng tính nghiêm minh của pháp luật, tạo tính công khai, minh bạch cho thị trường trò chơi có thưởng này.
Mặc dù đạt được các kết quả tích cực nêu trên, qua rà soát và triển khai thực hiện cho thấy nội dung về xử phạt vi phạm hành chính tại 3 Nghị định này vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là: Một số hành vi vi phạm có tính chất tương đồng nhưng chế tài xử phạt giữa các Nghị định chưa thống nhất; chỉ mới có Nghị định số 06/2017/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tài trợ khủng bố; một số hành vi vi phạm xuất hiện trên thực tế nhưng văn bản chính sách chưa có chế tài xử lý.
Cùng với đó, ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính số 67/2020/QH14. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 126/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 về Kế hoạch triển khai thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, trong đó giao Bộ Tài chính chủ trì, xây dựng Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trò chơi có thưởng.
Xuất phát từ các tồn tại, hạn chế và cơ sở pháp lý nêu trên cho thấy cần thiết phải ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trò chơi có thưởng để đảm bảo tính thực thi của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và kế hoạch triển khai thi hành Luật này.
|
|
Cần thiết phải ban hành Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trò chơi có thưởng. (Ảnh minh hoạ) |
Việc xây dựng Nghị định nhằm đồng bộ chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trò chơi có thưởng từ hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức phạt tiền, hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả.
Bổ sung, cập nhật và đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm hành chính, về phòng, chống rửa tiền và pháp luật phòng, chống tài trợ khủng bố. Đồng thời, bổ sung các hành vi vi phạm phù hợp với quy định pháp lý tại các Nghị định chuyên ngành.
Phạt tiền tối đa là 200 triệu đồng đối với tổ chức và 100 triệu đồng đối với cá nhân
Dự thảo Nghị định bao gồm 4 Chương và 59 Điều, trong đó đã rà soát, hiệu chỉnh và kế thừa đa số nội dung xử phạt vi phạm hành chính đang được quy định tại Nghị định số 86/2013/NĐ-CP, Nghị định số 03/2017/NĐ-CP, Nghị định số 06/2017/NĐ-CP còn phù hợp.
Cụ thể, quy định về mức phạt tiền tối đa là 200 triệu đồng đối với tổ chức và 100 triệu đồng đối với cá nhân; các hình thức xử phạt vi phạm chính là cảnh cáo, phạt tiền, các hình thức xử phạt bổ sung gồm tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh có thời hạn, tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính, trục xuất.
Các quy định về các hành vi vi phạm và mức xử phạt đối với 31/40 nhóm hành vi vi phạm. Đồng thời quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả của các chức danh.
Bên cạnh các nội dung kế thừa, dự thảo Nghị định đã xây dựng theo hướng cập nhật, sửa đổi một số quy định để phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và khắc phục các tồn tại, hạn chế trong thực tế triển khai.
Cụ thể, đối với các hành vi vi phạm về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tài trợ khủng bố, Hiện chỉ Nghị định số 06/2017/NĐ-CP có quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tài trợ khủng bố trong lĩnh vực đặt cược, đối với kinh doanh casino và trò chơi điện tử có thưởng chưa có quy định xử phạt về các nội dung này.
Do đó, để đảm bảo phù hợp pháp luật về phòng, chống rửa tiền, pháp luật phòng, chống khủng bố và đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong lĩnh vực trò chơi có thưởng, dự thảo Nghị định quy định một mục về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và phòng, chống tài trợ khủng bố trong lĩnh vực trò chơi có thưởng. Nội dung này được rà soát và quy định tương tự quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các lĩnh vực có tính chất tương tự như bảo hiểm, chứng khoán đã được ban hành.