Đảm bảo nguyên tắc thống nhất đầu mối chỉ đạo, hướng dẫn

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa dự thảo xong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định tổ chức thông tin, tuyên truyền  trong các tình huống đột xuất, bất thường đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

Theo dự thảo, tình huống đột xuất, bất thường là trường hợp xảy ra sự cố mang tính quốc gia liên quan đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, sức khỏe cộng đồng (trừ trường hợp ban bố tình trạng khẩn cấp).

Tình huống đột xuất, bất thường trên toàn quốc là tình huống xảy ra trên phạm vi toàn quốc hoặc có khả năng xảy ra trên phạm vi toàn quốc nếu không có các biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Tình huống đột xuất, bất thường ở khu vực là tình huống xảy ra trong phạm vi từ hai (02) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.

Tình huống đột xuất, bất thường ở địa phương là tình huống xảy ra trong phạm vi một (01) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Việc tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền trong các tình huống đột xuất, bất thường phải đảm bảo nguyên tắc thống nhất đầu mối chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sở hữu hạ tầng mạng viễn thông, báo chí, mạng xã hội và hệ thống thông tin cơ sở triển khai hoạt động thông tin, tuyên truyền.

Thống nhất đầu mối yêu cầu thông tin, tuyên truyền trong các tình huống đột xuất, bất thường.

Hoạt động thông tin, tuyên truyền phải kịp thời, nhanh chóng.

leftcenterrightdel
 Báo chí tác nghiệp tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - một trong những điểm nóng về dịch COVID-19 thời gian qua. (Ảnh minh hoạ)

Nội dung thông tin phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ áp dụng thực hiện để truyền tải thông điệp chính xác tới người dân và phù hợp với hình thức thông tin, tuyên truyền.

Nâng cao trách nhiệm xã hội của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sở hữu hạ tầng mạng viễn thông, báo chí, mạng xã hội và hệ thống thông tin cơ sở triển khai các hoạt động thông tin, tuyên truyền trong các tình huống đột xuất, bất thường.

Cụ thể về quy trình thông tin, tuyên truyền

Liên quan đến quy trình thông tin, tuyên truyền trong các tình huống đột xuất, bất thường trên toàn quốc hoặc khu vực, dự thảo Quyết định nêu rõ: Khi xảy ra các tình huống đột xuất, bất thường trên toàn quốc hoặc khu vực thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước được giao, Bộ trưởng bộ chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan trung ương có trách nhiệm: Xác định nội dung thông tin và chịu trách nhiệm về nội dung thông tin cần tuyên truyền, phổ biến đến người dân.

Lựa chọn các hình thức thông tin, tuyên truyền được quy định tại Quyết định này.

Xây dựng nội dung thông tin phù hợp với hình thức thông tin, tuyên truyền đã lựa chọn theo mẫu Phụ lục kèm theo Quyết định này. Đồng thời gửi yêu cầu bằng văn bản hoặc thư điện tử công vụ cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp tổ chức thông tin, tuyên truyền đến người dân.

Sau khi nhận được văn bản hoặc thư điện tử công vụ của Bộ trưởng bộ chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm: Quyết định sử dụng phương tiện và hình thức thông tin, tuyên truyền trên các hạ tầng mạng viễn thông, báo chí, mạng xã hội và hệ thống thông tin cơ sở, phù hợp với yêu cầu thông tin, tuyên truyền do Bộ trưởng bộ chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan trung ương chuyển đến.

Yêu cầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp sở hữu hạ tầng mạng viễn thông, báo chí, mạng xã hội và hệ thống thông tin cơ sở thực hiện việc thông tin, tuyên truyền.

Ngoài ra, dự thảo Quyết định còn quy định cụ thể về phương tiện và hình thức thông tin, tuyên truyền trong các tình huống đột xuất, bất thường, bao gồm: Mạng viễn thông: Tin nhắn (SMS); Báo chí: Đăng tải nội dung thông tin trên báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình; Mạng xã hội: Thông điệp truyền thông trên mạng xã hội; Hệ thống thông tin cơ sở: Phát thông tin trên hệ thống đài truyền thanh cấp xã, cơ sở truyền thanh - truyền hình cấp huyện, các thiết bị truyền thanh di động; đăng thông tin trên bảng tin điện tử, màn hình điện tử của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

P.V