Theo đó, căn cứ đề nghị khen thưởng là tập thể, cá nhân đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn khen thưởng tại Phần II, Hướng dẫn số 2119/HD-BTĐKT ngày 7/8/2020 của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Hướng dẫn số 2119/HD-BTĐKT) về việc khen thưởng đối với các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020.
Cụ thể, đối với tập thể: Tập thể được khen thưởng không để xảy ra các vụ việc tham nhũng trong nội bộ đơn vị hoặc trong lĩnh vực quản lý của mình và có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, thể hiện trên các mặt, đó là: Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm, do Ban chỉ đạo Trung ương (hoặc Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) về phòng chống tham nhũng trực tiếp chỉ đạo, bảo đảm đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Có biện pháp hiệu quả, tích cực nhằm thu hồi tiền và tài sản tham nhũng; thông qua công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ đã kịp thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện thể chế về công tác quản lý kinh tế - xã hội để phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Tổ chức hoặc phối hợp phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng trong nội bộ: thanh tra, kiểm tra; thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng và theo quy định của Ngành; xây dựng, thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn (ví dụ như quy chế chi tiêu nội bộ); công khai, minh bạch về công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công; tổ chức xác minh về minh bạch tài sản, thu nhập.
Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉnh chế độ thông tin, báo cáo về các vụ án, vụ việc tham nhũng theo quy định của Ngành...
Đối với cá nhân: Cá nhân được khen thưởng là người có thành tích xuất sắc thuộc một trong những mặt công tác được nêu tại Điểm a, b, c và d tại Mục 1.1 của Hướng dẫn này.
Về hình thức khen thưởng, Hướng dẫn nêu rõ: Đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự Trung ương, VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh căn cứ thực tế lựa chọn tập thể, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có thành tích tiêu biểu, xuất sắc trong phòng, chống tham nhũng để đề nghị Viện trưởng VKSND tối cao tặng Bằng khen.
Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng VKSND cấp cao và Viện trưởng VKSND cấp tỉnh xét, tặng Giấy khen cho tập thể, cá nhân theo thẩm quyền.
Hồ sơ đề nghị tặng Bằng khen của Viện trưởng VKSND tối cao được lập thành 1 bộ, gồm: Tờ trình của cấp trình khen thưởng (kèm theo danh sách tập thể, cá nhân đề nghị khen thưởng); Biên bản họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng cấp trình khen thưởng; Báo cáo thành tích của các tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng (thực hiện theo Mẫu số 06 được ban hành kèm theo Thông tư số 01/2019/TT-VKSTC ngày 14/5/2019 của Viện trưởng VKSND tối cao) và bản báo cáo tóm tắt thành tích.
VKSND tối cao cũng lưu ý, báo cáo thành tích đề nghị khen thưởng của tập thể, cá nhân cần nêu kết quả công tác cụ thể, có số liệu dẫn chứng, chứng minh, không nêu kết quả chung chung. Đối với cá nhân là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu được đề nghị khen thưởng thì trong nội bộ đơn vị hoặc trong lĩnh vực quản lý của cá nhân đó không có các vụ việc tham nhũng.
Theo VKSND tối cao, căn cứ Hướng dẫn này, đề nghị Thủ trưởng đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự Trung ương, Viện trưởng VKSND cấp cao và Viện trưởng VKSND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành xét, đề nghị khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020. Hồ sơ đề nghị khen thưởng gửi về Vụ Thi đua - Khen thưởng VKSND tối cao trước ngày 15/9/2020. |