Theo đó, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cụ thể số lượng người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở cũng như các chức danh trong lực lượng này; quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của đội trưởng, đội phó và từng thành viên thuộc lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về nội dung này, Bộ Công an đã tiếp thu và bổ sung vào Điều 15, Điều 16 dự thảo Luật nội dung quy định cụ thể các chức danh thuộc lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gồm Tổ trưởng, Tổ phó và Tổ viên; đồng thời, quy định cụ thể nhiệm vụ của các chức danh này để bảo đảm thống nhất áp dụng. 

Cùng với đó, dự thảo Luật không quy định cụ thể số lượng người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở mà quy định theo hướng mở là giao cho địa phương căn cứ thực tiễn yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở cũng như khả năng bảo đảm điều kiện cho hoạt động của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để quyết định số lượng Tổ an ninh, trật tự, số lượng thành viên hoạt động trong lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

leftcenterrightdel
 Công tác đảm bảo an ninh, trật tự ở cơ sở luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng. (Ảnh minh hoạ)

Bên cạnh đó, ý kiến còn đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn nơi ở, nơi làm việc, nhà nghỉ, nhà ăn, trang thiết bị, phương tiện trang bị cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Nội dung này, theo Bộ Công an, để điều chỉnh kịp thời, linh hoạt việc bảo đảm điều kiện về nơi ở, nơi làm việc, nhà nghỉ, nhà ăn, trang thiết bị, phương tiện và bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ Công an đã bổ sung vào dự thảo Luật (Điều 22) một khoản quy định như sau: Chính phủ quy định danh mục tiêu chuẩn, định mức trang bị cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Mặt khác, về ý kiến quy định cụ thể trong dự thảo Luật mẫu mã trang phục cũng như việc cấp trang phục hàng năm cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Bộ Công an thấy rằng, để bảo đảm điều chỉnh kịp thời các quy định về mẫu mã trang phục cũng như tiêu chuẩn, định mức trang bị trang phục cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thì Quốc hội chỉ quy định các nội dung mang tính nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết vấn đề này để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. 

Việc cấp trang phục cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do các địa phương tổ chức thực hiện theo kế hoạch công tác hàng năm và không thuộc phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. Do đó, Bộ Công an đề nghị không quy định trong dự thảo Luật mẫu mã trang phục cũng như việc cấp trang phục hàng năm cho lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần quy định cụ thể chế độ ăn hàng ngày của lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi trực tại đơn vị và quy định cụ thể mức hỗ trợ trực đêm, làm nhiệm vụ sau 22 giờ; đồng thời, bổ sung quy định mức hỗ trợ đối với người có bằng cấp chuyên môn, đại học khi tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Về nội dung này, Bộ Công an đã bổ sung vào dự thảo Luật (Điều 25) nội dung quy định theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết về chế độ, chính sách đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở khi được cử đi tập trung đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi tham gia thực hiện nhiệm vụ theo quyết định điều động của cấp có thẩm quyền.

Ngoài các nội dung trên, Bộ Công an còn tiếp thu, giải trình các ý kiến khác liên quan đến độ tuổi tối đa được tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; việc lập những đội an ninh hỗ trợ lực lượng Công an được chọn lọc và huấn luyện chuyên nghiệp; việc quy định cụ thể chế độ tiền ăn 1 ngày/người; việc đóng bảo hiểm đối với lực lượng này; việc điều chỉnh tên gọi “Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” thành “Công an xung phong”...

P.V