Đây là nội dung được đề cập tại Kế hoạch triển khai thi hành Chỉ thị số 43/CT-TTg ngày 11/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ (ban hành kèm theo Quyết định số 233/QĐ-BTP) về nâng cao chất lượng công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật vừa được Bộ Tư pháp ban hành.

Hoàn thiện pháp luật theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Theo Bộ Tư pháp, việc ban hành Kế hoạch nhằm tổ chức triển khai thực hiện toàn diện, thống nhất và hiệu quả nhiệm vụ, giải pháp được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 43/CT-TTg gắn với việc thực hiện Quyết định số 1323/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đồng thời nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 04/QĐ-TTg ngày 4/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 83-KL/TW ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.

Theo Kế hoạch, nội dung bao gồm các hoạt động: Kiểm tra, đôn đốc, theo dõi và báo cáo tình hình thực hiện Chỉ thị; rà soát, đề xuất nội dung định hướng ưu tiên trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thi hành pháp luật trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ theo những nội dung định hướng trong các văn kiện của Đại hội Đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các cấp ủy đảng về từng lĩnh vực cụ thể.

Rà soát pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý để đề xuất nội dung hoàn thiện pháp luật, kịp thời xử lý những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập hoặc không phù hợp thực tiễn nhằm phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, bảo đảm an sinh xã hội, quyền con người, quyền công dân và hội nhập quốc tế và thực hiện các cam kết quốc tế, nhất là các điều ước quốc tế Việt Nam mới gia nhập (CPTPP, EVFTA, RCEP…). Chú trọng thể chế hóa, hoàn thiện pháp luật về tổ chức, bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

leftcenterrightdel
 Chính phủ họp phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật. (Ảnh minh hoạ)

Thực hiện các kết luận tổng kết và các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đảng về xây dựng, hoàn thiện pháp luật, cải cách tư pháp, phổ biến, giáo dục pháp luật. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để tham mưu, giúp Ban Cán sự đảng Chính phủ đề xuất nội dung về Chiến lược pháp luật Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để đưa vào dự thảo Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN.

Nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật

Cũng theo Kế hoạch, cần thực hiện nghiêm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung bằng Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020). 

Nâng cao trách nhiệm, hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan trong quy trình xây dựng pháp luật. Đẩy mạnh và đổi mới các phương pháp, hình thức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức; lấy ý kiến chuyên gia, đối tượng chịu sự tác động của văn bản và nghiêm túc tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý để đảm bảo tính khả thi.

Tăng cường đôn đốc, kiểm tra công tác xây dựng pháp luật của các bộ, ngành, địa phương; nâng cao chất lượng lập đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, hạn chế việc lùi, rút trình các dự án luật, pháp lệnh và tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản; kịp thời xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý các trường hợp không bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Nâng cao chất lượng thẩm định văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020); theo dõi sát việc tiếp thu, giải trình và báo cáo Chính phủ về kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo.

Các hoạt động giúp tăng cường hiệu quả thi hành pháp luật, gồm: Đẩy mạnh hoạt động theo dõi, đánh giá tình hình thi hành pháp luật của các bộ, ngành, địa phương để kiến nghị các biện pháp xử lý phù hợp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật. 

Thực hiện nghiêm Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật, Nghị định số 32/2020/NĐ-CP ngày 5/3/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Quyết định số 242/QĐ-TTg ngày 26/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tổ chức thi hành pháp luật giai đoạn 2018- 2022”.

Tập trung nghiên cứu, đề xuất xây dựng Luật về tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm gắn kết công tác xây dựng pháp luật với thi hành pháp luật, nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật.

Mặt khác, cần tăng cường năng lực phản ứng chính sách trong quá trình tổ chức thi hành pháp luật, nhất là trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Chú trọng đối thoại với doanh nghiệp, người dân về vướng mắc, bất cập trong thực thi chính sách, pháp luật.

Chú trọng phổ biến, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và ý thức tự giác học tập, tìm hiểu pháp luật và tuân thủ pháp luật. Đổi mới phương pháp, tăng cường nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, coi đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, là khâu đầu vào trong tổ chức thi hành pháp luật.

Ngoài ra, Kế hoạch còn đề cập đến các hoạt động nhằm bảo đảm, tăng cường nguồn lực cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật; các hoạt động do các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp phối hợp thực hiện...

P.V