Dự án BRT - đầu tư số tiền rất lớn nhưng chưa đạt hiệu quả
Theo Thanh tra Chính phủ, trong giai đoạn 2003-2016, UBND thành phố Hà Nội và các sở, ngành, đơn vị của thành phố đã tích cực đưa các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành không còn phù hợp quy hoạch phát triển đô thị hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khu vực ngoại thành phù hợp quy hoạch, để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất phát triển ổn định lâu dài; đồng thời chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện các dự án, trong đó chủ yếu là các dự án phát triển kinh tế (văn phòng, nhà ở; khách sạn; trung tâm thương mại, dịch vụ; bãi đỗ xe có thu tiền..).
Việc chuyển mục đích sử dụng đất nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tạo thêm quỹ đất cho khu vực nội thành xây dựng các công trình hạ tầng xã hội; hạ tầng kỹ thuật; phát triển quỹ nhà nâng cao diện tích bình quân nhà ở trên địa bàn thành phố, đảm bảo điều kiện môi trường, tạo cảnh quan kiến trúc và văn minh đô thị; góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố, là động lực phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Chính phủ, trong quá trình quản lý, thực hiện dự án đầu tư xây dựng đối với một số dự án chuyển mục đích sử dụng đất còn một số tồn tại, thiếu sót, vi phạm.
Theo đó, việc triển khai thực hiện công tác di dời và chuyển mục đích sử dụng đất, theo quy định tại Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ, các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất cũ phải di dời được phép hợp tác đầu tư với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án.
Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể, nên các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất đầu tư dự án kinh doanh, xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.
Từ kết quả thanh tra cho thấy, một số doanh nghiệp khi lựa chọn nhà đầu tư đưa lợi thế đất để đấu giá đã thu về cho Nhà nước số tiền lớn như: Dự án 31 Láng Hạ (514,9 tỉ đồng); Dự án 378 Minh Khai (312,9 tỉ đồng); doanh nghiệp không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) thu được thấp như: Dự án số 1 Phùng Chí Kiên; Dự án tại 365A Minh Khai; Dự án 167 Thụy Khuê; Dự án 69 Vũ Trọng Phụng; Dự án 47 Nguyễn Tuân; Dự án 108 Nguyễn Trãi; Dự án 44 Yên Phụ; Dự án tại 430 Cầu Am...
Việc pháp luật không có quy định xác định lợi thế thương mại đối với giá trị quyền sử dụng đất cũng như việc đấu giá khi lựa chọn nhà đầu tư liên doanh, liên kết để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án, đây là một trong những sơ hở chính sách gây thất thoát ngân sách nhà nước trong quá trình chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện dự án đất ở những vị trí đắc địa.
Dự án tại lô đất C3 là một phần dự án Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, khu đất sạch đã có hạ tầng được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, nhưmg năm 2009 UBND thành phố Hà Nội thu hồi và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án không qua hình thức đấu giá, vi phạm Khoản 1 Điều 58 Luật Đất đai năm 2003; Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Về hiệu quả đầu tư Hợp phần I - Xe buýt nhanh BRT, việc đầu tư chưa đồng bộ, chưa tạo ra các lợi ích nhằm khuyến khích người dân chuyển từ phương tiện cá nhân sang sử dụng phương tiện vận tải công cộng, như các nhà chờ, cầu vượt cho người đi bộ chưa thuận tiện cho người sử dụng, một số nhà chờ chưa có cầu vượt đi bộ để tiếp cận, cầu vượt đi bộ chưa hỗ trợ cho người khuyết tật; xe buýt BRT được bố trí làn đường riêng chiếm 1/3 mặt cắt ngang của các trục đường hiện có nhưng tốc độ chưa đạt yêu cầu, trong khi hiện trạng lưu lượng giao thông trên tuyến rất lớn, nên thường xuyên gây ùn tắc trong giờ cao điểm.
|
|
Dự án BRT được cho đầu tư số tiền rất lớn nhưng chưa đạt hiệu quả. |
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải về kết quả vận tải hành khách đối với tuyến xe buýt nhanh BRT 6 tháng đầu năm 2017, lượng khách bình quân đạt 39,9 người/lượt, mới chỉ đạt 44,3% so với công suất thiết kế là 90 người/lượt; lượng khách bình quân giờ cao điểm cũng chỉ đạt 69,7/90 người/lượt, đạt 75,4% công suất. Như vậy, mặc dù được đầu tư với số tiền rất lớn nhưng dự án chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, chưa đạt mục tiêu đề ra để hạn chế phương tiện cá nhân, giảm ùn tắc giao thông và từng bước nâng cao chất lượng môi trường của thành phố.
Dự án Sakura Tower 47 Vũ Trọng Phụng xây vượt 2 tầng căn hộ
Về một số sai phạm khác, Kết luận thanh tra nêu rõ: Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và UBND quận Hoàng Mai cấp Giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với 4 thửa đất thấp tầng ký hiệu C12, C13, C36, C37 của Dự án Khu nhà ở và công trình công cộng tại 409 đường Nguyễn Tam Trinh do Tổng công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư, khi không đủ điều kiện theo quy định.
Cụ thể: Phần diện tích tăng thêm của mỗi thửa đất là 30m² ra diện tích đất đường giao thông nội bộ so với quy hoạch tổng mặt bằng do chủ đầu tư chuyển nhượng cho khách hàng nhưng chưa được các cơ quan chức năng và Thành phố điều chỉnh quy hoạch, chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, vi phạm Điều 72 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013.
Chủ đầu tư Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ để bán và cho thuê tại 302 Cầu Giấy đã thay đổi mục đích và công năng sử dụng từ thuê đất xây dựng Trung tâm thương mại, văn phòng với diện tích 1.438,5 m² đã được phê duyệt sang giao đất có thu tiền sử dụng đất xây dựng căn hộ chung cư để bán. Mặc dù đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận điều chỉnh Quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc, nhưng chưa được UBND thành phố Hà Nội cho phép điều chỉnh dự án đầu tư và chuyển mục đích sử dụng đất, chưa xác định và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất bổ sung, vi phạm Khoản 1 Điều 6, Khoản 3 Điều 12 và Điểm e Khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013.
Chủ đầu tư Dự án Tổ hợp khách sạn, thương mại, văn phòng và nhà ở thấp tầng tại 107 đường Xuân La, khởi công xây dựng công trình khi chưa đủ điều kiện theo quy định như: Dự án chưa được bàn giao hồ sơ mốc giới giao đất tại thực địa; chưa có quyết định phê duyệt thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, chủ đầu tư chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, chưa có giấy phép xây dựng; xây dựng khu nhà thấp tầng 46 căn, vượt 6 căn so với quy hoạch tổng mặt bằng được duyệt, vi phạm Khoản 4 Điều 12, Khoản 3 Điều 170 Luật Đất đai 2013; Khoản 2, Khoản 4 Điều 12, Khoản 1 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014.
Bộ Xây dựng có văn bản số 13/BXD-HĐXD ngày 17/1/2017 hướng dẫn Công ty cổ phần Đầu tư An Lộc thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng đối với Khu nhà ở thấp tầng của dự án là không phù hợp với quy định tại Điểm e Khoản 2 Điều 89 Luật Xây dựng năm 2014, vì bản vẽ tổng mặt bằng và phương án kiến trúc theo quy định không phải là quy hoạch chi tiết 1/500.
Chủ đầu tư Dự án Nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ, công cộng - Sakura Tower tại 47 Vũ Trọng Phụng, khởi công xây dựng công trình trước khi được UBND thành phố Hà Nội cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án; trước khi cấp Giấy phép xây dựng, vi phạm Khoản 1 Điều 11, Điều 15, Điểm đ Khoản 1 Điều 36 Luật Đất đai 2003; Khoản 2 Điều 10, Khoản 2 Điều 72 Luật Xây dựng 2003.
Xây dựng công trình 28 tầng vượt 2 tầng căn hộ ở so với Phương án kiến trúc và hồ sơ xin phép xây dựng; xây dựng 2 tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch được phê duyệt và đã tự ý chuyển đổi công năng: Tầng kỹ thuật giữa tầng 2 và tầng 3 cao 4,5m, hiện đang cho thuê làm văn phòng; tầng kỹ thuật giữa tầng 11 và tầng 12 cao 3m, hiện đã chia phòng thành 14 căn hộ ở đã bán cho khách hàng; xây dựng 78 căn hộ không đúng hồ sơ cấp phép, dẫn đến người mua nhà chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, gây bức xúc, ảnh hưởng đến quyền lợi người mua nhà, vi phạm Khoản 2 Điều 10, Khoản 1 Điều 36, Khoản 2, Điều 68 Luật Xây dựng năm 2003. UBND thành phố Hà Nội không xử lý các sai phạm của chủ đầu tư, đề tồn tại nhiều năm, gây thất thoát ngân sách nhà nước.