Ngày 4/9/2021, Bộ Công an hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định hình thức xử phạt trục xuất, biện pháp tạm giữ người, áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính và quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất để lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Bộ Công an cho biết, trong quá trình thi hành, Nghị định số 112/2013/NĐ-CP ngày 2/10/2013 đã bộc lộ một số những điểm hạn chế, bất cập, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung như: Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác tạm giữ theo thủ tục hành chính chưa đáp ứng được yêu cầu thi hành nhiệm vụ. Hiện nay, sau 9 năm triển khai thi hành Nghị định, cả nước mới chỉ có 2 nhà tạm giữ (1 ở Vĩnh Phúc, 1 ở Long An). Công an các đơn vị, địa phương nhiều nơi chưa có nhà tạm giữ phục vụ công tác tạm giữ hành chính, một số trường hợp phải tạm giữ hành chính ở phòng làm việc; ở đơn vị có buồng tạm giữ hành chính thì cơ sở vật chất còn chưa bảo đảm.

Bên cạnh đó, chưa có các quy định hướng dẫn xử lý trong trường hợp người nước ngoài thuộc diện bị trục xuất nhưng không có điều kiện để thực hiện các nghĩa vụ về dân sự, hành chính, kinh tế theo quy định; trường hợp không xác định được quốc tịch của người nước ngoài bị trục xuất; hướng dẫn về quản lý, sử dụng kinh phí phục vụ cho công tác trục xuất hoặc buộc xuất cảnh..., gây khó khăn trong công tác quản lý và thi hành pháp luật.

Chưa có hướng dẫn chi tiết nên việc tổ chức thi hành hình phạt trục xuất còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc trục xuất các trường hợp cần chăm sóc y tế hoặc mất năng lực hành vi dân sự...

Cùng với đó, thời hạn ra Quyết định trục xuất hiện nay còn quá ngắn (trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo đề nghị trục xuất của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh), gây khó khăn cho việc thực hiện quy định.

Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, dự thảo Nghị định sửa đổi gồm 6 chương 44 điều, quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính trục xuất, quản lý người nước ngoài trong thời gian làm thủ tục trục xuất; quyền và nghĩa vụ của người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc tổ chức thi hành hình thức xử phạt trục xuất. 

Đồng thời quy định về việc áp dụng biện pháp tạm giữ người, áp giải người theo thủ tục hành chính; thẩm quyền, trình tự, thủ tục tạm giữ người, áp giải người theo thủ tục hành chính; quyền và nghĩa vụ của người bị tạm giữ, áp giải theo thủ tục hành chính và những quy định khác có liên quan đến việc áp dụng biện pháp tạm giữ người, áp giải người theo thủ tục hành chính.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Báo CAND)

Về nguyên tắc áp dụng, dự thảo Nghị định nêu rõ: Việc tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính và áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải bảo đảm đúng đối tượng, đúng thủ tục, thẩm quyền và thời hạn quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Điều 102 Luật Hải quan, Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Nghiêm cấm mọi hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người bị tạm giữ, áp giải theo thủ tục hành chính và người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

Trong mọi trường hợp, việc áp dụng hình thức xử phạt trục xuất, tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính, phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền quy định tại Điều 5, Điều 16 và Điều 31 Nghị định này; phải giao cho người bị tạm giữ, áp giải, người bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất một bản.

Người ra quyết định áp dụng biện pháp tạm giữ, áp giải người theo thủ tục hành chính, áp dụng hình thức xử phạt trục xuất phải chịu trách nhiệm đối với quyết định của mình.

Về các trường hợp áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định nêu rõ, người vi phạm không tự nguyện chấp hành yêu cầu của người có thẩm quyền thì bị áp giải trong các trường hợp gồm: Bị tạm giữ người theo thủ tục hành chính; đưa vào hoặc đưa trở lại trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với đối tượng theo quy định tại Khoản 1 Điều 111, Khoản 2 Điều 112 Luật Xử lý vi phạm hành chính không tự giác chấp hành khi điều kiện hoãn, tạm đình chỉ không còn và đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 132 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Người bị trục xuất không tự giác chấp hành quyết định xử phạt trục xuất hoặc có hành vi chống đối, bỏ trốn.

Người có thẩm quyền quy định tại Điều 31 Nghị định này đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải người vi phạm.

Trong thời gian bị áp giải, việc quản lý người bị áp giải được thực hiện theo quy định tại các Điều 23, 24, 26 và Điều 27 Nghị định này.

Về thẩm quyền thực hiện việc áp giải, dự thảo Nghị định quy định, những người có thẩm quyền sau đây đang thi hành công vụ thực hiện việc áp giải người vi phạm theo thủ tục hành chính, gồm: Chiến sĩ CAND; Chiến sĩ Bộ đội biên phòng; Cảnh sát viên Cảnh sát biển; Công chức Hải quan; Kiểm lâm viên; Công chức Thuế; Kiểm soát viên thị trường; Thanh tra viên, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; Chấp hành viên thi hành án dân sự.

P.V