Đây là nội dung được nêu tại dự thảo Thông tư hướng dẫn việc tiếp nhận, phân loại và xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong CAND đang được Bộ Công an lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Dự thảo Thông tư hướng dẫn việc tiếp nhận, phân loại và xử lý khiếu nại, kiến nghị, phản ánh; giải quyết khiếu nại và quản lý công tác giải quyết khiếu nại trong CAND (gồm 5 chương, 25 điều) đã đề cập cụ thể về các nguồn tiếp nhận khiếu nại, kiến nghị, phản ánh.

Cụ thể, do lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, cơ quan báo chí và các cơ quan khác chuyển đến theo quy định của pháp luật.

Do cá nhân, đại diện cơ quan, tổ chức đến cơ quan Công an để khiếu nại, kiến nghị, phản ánh trực tiếp; gửi qua dịch vụ bưu chính và các nguồn hợp pháp khác.

Cơ quan, đơn vị, cá nhân sau khi tiếp nhận đơn khiếu nại, kiến nghị, phản ánh hoặc văn bản ghi nội dung khiếu nại từ các nguồn quy định nêu trên phải vào sổ và nhập vào hệ thống cơ sở dữ liệu trên máy tính để quản lý, theo dõi; phải đóng dấu “Đến” và ghi rõ ngày nhận đơn. Cán bộ xử lý hoặc người có thẩm quyền giải quyết có trách nhiệm bảo quản, không làm hư hỏng, thất lạc, không làm thay đổi hình thức và nội dung đơn.

Về các loại khiếu nại, kiến nghị, phản ánh, dự thảo Thông tư quy định bao gồm: Khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan, đơn vị, cán bộ, chiến sĩ Công an; khiếu nại quyết định kỷ luật sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ, học viên, công nhân Công an.

Khiếu nại về chế độ chính sách, quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, tuyển sinh, tuyển dụng, tiêu chuẩn chính trị, thi đua khen thưởng; khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng hình sự; khiếu nại quyết định, hành vi của cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền thi hành án hình sự.

leftcenterrightdel
 Ảnh minh hoạ.

Đồng thời dự thảo Thông tư cũng quy định: Kiến nghị, phản ánh là việc cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong CAND về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, công tác quản lý các lĩnh vực thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị Công an.

Đối với việc xử lý đơn khiếu nại quyết định tố tụng, hành vi tố tụng hình sự của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong CAND, dự thảo Thông tư quy định: Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng hình sự của Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng và Thủ trưởng CQĐT, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thì cán bộ xử lý căn cứ vào thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại đối với Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Phó Thủ trưởng và Thủ trưởng CQĐT, người được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại Điều 475 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để đề xuất chuyển đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Khiếu nại bản kết luận điều tra của Phó Thủ trưởng CQĐT thì chuyển đến Thủ trưởng CQĐT cùng cấp giải quyết. Trường hợp khiếu nại bản kết luận điều tra của Thủ trưởng CQĐT thì chuyển đến VKSND cùng cấp giải quyết.

Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam thì cán bộ xử lý căn cứ vào thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng trong việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam theo quy định tại Điều 474 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 để đề xuất chuyển đến Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Cùng với dự thảo Thông tư trên, Bộ Công an cũng đã hoàn thiện dự thảo Thông tư quy định quy trình giải quyết khiếu nại trong CAND để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Dự thảo Thông tư gồm 3 chương, 26 điều quy định quy trình giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật và quyết định về chế độ chính sách của cơ quan, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền trong CAND.

Đối tượng áp dụng bao gồm: Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại; cơ quan, đơn vị, cá nhân được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại trong CAND. Người khiếu nại, người bị khiếu nại, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan đến việc giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Thủ trưởng Công an đơn vị, địa phương.

Cùng với đó, dự thảo Thông tư đã quy định cụ thể về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại gồm các bước: Thụ lý, chuẩn bị xác minh nội dung khiếu nại; tiến hành xác minh nội dung khiếu nại; ban hành, gửi công khai quyết định giải quyết khiếu nại và lập, quản lý hồ sơ giải quyết khiếu nại. 

Đối với các trường hợp đối thoại, dự thảo Thông tư quy định, trước khi ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu đối với khiếu nại quyết định kỷ luật, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại với người khiếu nại. 

Đối với khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định về chế độ chính sách, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại hoặc cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh tổ chức đối thoại nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau.

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tổ chức đối thoại.

Trường hợp người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai là Bộ trưởng sẽ trực tiếp đối thoại đối với các khiếu nại phức tạp (có nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung, có nhiều ý kiến khác nhau của các cơ quan có thẩm quyền về biện pháp giải quyết, người khiếu nại có thái độ gay gắt, dư luận xã hội quan tâm, vụ việc ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội). 

Đối với các trường hợp khác, giao đồng chí Thứ trưởng phụ trách hoặc Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh tổ chức đối thoại với người khiếu nại. Trong quá trình đối thoại, người chủ trì đối thoại phải kịp thời báo cáo người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về những nội dung phức tạp, vượt quá thẩm quyền; kết thúc đối thoại phải báo cáo người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về kết quả đối thoại và chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo.

P.V