Bộ Y tế giao Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ diễn biến tình hình dịch COVID-19 tại địa phương, khi vượt quá khả năng đáp ứng về nguồn lực và khả năng thiết lập cơ sở thu dung, cách ly, quản lý, điều trị COVID-19 để tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thời điểm, địa điểm, phạm vi áp dụng “Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà”.
Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà, nội dung cụ thể như sau:
1. Tiêu chí lâm sàng đối với người nhiễm COVID-19
- Là người nhiễm COVID-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi;
- Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.
- Đáp ứng thêm, tối thiểu 1 trong 2 tiêu chí sau:
+ Đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày, HOẶC
+ Có đủ 03 yếu tố sau:
(1) Tuổi: Trẻ em trên 1 tuổi, người lớn < 50 tuổi;
(2) Không có bệnh nền thuộc Danh mục các bệnh lý nền quy định tại Phụ lục 01 của Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà, bao gồm: Đái tháo đường; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác; Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác); Bệnh thận mạn tính; Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu; Béo phì, thừa cân; Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim); Bệnh lý mạch máu não; Hội chứng Down; HIV/AIDS; Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ); Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác; Hen phế quản; Tăng huyết áp; Thiếu hụt miễn dịch; Bệnh gan; Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện; Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác; Các bệnh hệ thống; Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh-mắc phải;
(3) Không đang mang thai.
2. Khả năng người nhiễm COVID-19 tự chăm sóc
- Có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh…
- Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu: Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính,…
- Trường hợp người nhiễm COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc cho người nhiễm COVID-19 và có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu.